.
"CHÌA KHÓA" VẬN HÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Bài 4: "Xốc" vào lĩnh vực

Cập nhật: 09:23, 11/10/2022 (GMT+7)

Bài 1: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI

BÀI 2: Tăng tốc cải cách hành chính

BÀI 3: Bắt nhịp kinh tế số

Một trong những cấu phần của kinh tế số là ở các ngành, lĩnh vực. Do đó, Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, hướng đến bao trùm các ngành, lĩnh vực và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tiền Giang đang hướng vào nhóm các địa phương chuyển đổi số tốt, có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.

ĐA DẠNG NỀN TẢNG

Đa nền tảng, đa ứng dụng nhằm mang lại tiện ích cho người dân là cách tiếp cận mới mà Tiền Giang đang triển khai thực hiện. Nhờ đó, hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước luôn được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Tiền Giang tiếp tục được phát triển và khai thác có hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo đa ngành tỉnh Tiền Giang.

Chưa kể, các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước tiếp tục được phát triển, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Chẳng hạn như hệ thống thư điện tử công vụ, đến nay đã cấp 11.210 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, đạt 100%.

Tiền Giang hiện có 22 điểm cầu trực tuyến từ tỉnh đến Trung ương.
Tiền Giang hiện có 22 điểm cầu trực tuyến từ tỉnh đến Trung ương.

Một trong những nền tảng đã và đang phát huy hiệu quả là hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Theo đó, trục liên thông văn bản quốc gia thực hiện gửi, nhận trên 1,6 triệu văn bản điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hiện đã hoàn thiện kết nối thông suốt từ Trung ương với cấp tỉnh với 22 điểm cầu, giữa tỉnh với cấp huyện với 11 điểm cầu và 172 điểm cầu cấp xã.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng, triển khai thí điểm Nền tảng công chức ứng dụng TienGiangG và Nền tảng công dân số TienGiangS; trong đó, hoàn thiện các chức năng ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), chức năng phản ánh kiến nghị, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Con số thống kê gần đây cho thấy đã có hơn 259.961 lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng  TienGiangS.

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống đã tiếp nhận 2.461 phản ánh kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp thông qua Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công 1022 Tiền Giang…

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường tiếp tục phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu tài nguyên và môi trường; ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động tài nguyên và môi trường kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến thực trạng quản lý tài nguyên và môi trường trong tỉnh, từ đó có các chính sách quản lý phù hợp.

Trong lĩnh vực giao thông, đã triển khai sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gồm: Quản lý các tuyến đường bộ, đường thủy, cầu phao, bến bãi, biển báo…; hệ thống Quản lý phương tiện giao thông công cộng như: Quản lý thông tin các tuyến xe buýt, thông tin các doanh nghiệp xe taxi đăng ký tại Sở Giao thông Vận tải, lịch trình di chuyển phương tiện công cộng; đồng thời, hoàn thiện hệ thống bản đồ nền làm nền tảng để số hóa hạ tầng các lớp bản đồ nghiệp vụ các ngành: Lớp nghiệp vụ giao thông vận tải, lớp nghiệp vụ nông nghiệp, lớp nghiệp vụ các dự án kêu gọi đầu tư, thương mại dịch vụ...

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự được tích hợp từ các hệ thống camera của ngành Công an tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với 335 camera quan sát (trong đó có 80 camera thông minh).

Đến nay đã có 184 trường hợp vi phạm được gửi về cho Công an TP. Mỹ Tho xử lý. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai lấy ý kiến thử nghiệm Hệ thống giám sát các hệ thống thông tin chính quyền số (IOC tỉnh Tiền Giang).

Song song đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống phòng, chống, chia sẻ mã độc tỉnh đã xử lý 5.059 máy nhiễm vi rút trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tổng số mã độc phát hiện là 785.468 trường hợp. Hiện tại, hệ thống thiết lập chia sẻ tự động mỗi ngày với Cục An toàn thông tin về những trường hợp nhiễm mã độc trên các máy người dùng.

ƯU TIÊN LĨNH VỰC

Có thể nói, việc chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối với ngành Giáo dục, chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học với tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh, toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; coi đây là cơ hội để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo, linh hoạt thay đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, đảm bảo việc truyền đạt kiến thức cho học sinh và an toàn phòng, chống dịch… góp phần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành giáo dục, đào tạo và tích hợp vào hệ thống IOC tỉnh.

Theo đó, nhiều ứng dụng CNTT được triển khai phục vụ công tác quản lý, dạy và học: phần mềm thiết kế bài giảng E-learning, phần mềm quản lý ngân hàng đề thi, hệ thống hội nghị truyền hình ngành Giáo dục.

Nhiều tiện ích khi sử dụng các ứng dụng số.
Nhiều tiện ích khi sử dụng các ứng dụng số.

Trong lĩnh vực Y tế đã khai thác sử dụng thiết bị lưu trữ phục vụ hệ thống Telemedicine; triển khải thử nghiệm ứng dụng Telemedicine trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị từ xa.

Chưa kể, cơ sở dữ liệu ngành Y tế (htttp://htttyte.tiengiang.gov.vn) đã được xây dựng tích hợp dữ liệu từ các hệ thống: Quản lý khám, chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, quản lý nhà thuốc... và tích hợp vào hệ thống IOC tỉnh; một số ứng dụng đã được triển khai như: Sổ sức khỏe điện tử, các ứng dụng về quản lý dịch tễ, khai báo y tế, nền tảng tiêm chủng, phòng, chống Covid-19…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục hoàn thiện và triển khai sử dụng hệ thống thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: App ứng dụng phổ biến các thông tin của ngành Nông nghiệp, cổng thông tin giá cả thị trường nông sản, cổng thông tin dịch bệnh và thông tin an toàn vệ sinh thực phẩm, tổng đài nông nghiệp tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các nội dung liên quan của ngành Nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục vận hành và khai thác các thiết bị quan trắc môi trường để thu thập dữ liệu về môi trường phục vụ ngành Nông nghiệp: Độ mặn, mực nước, đo mưa, cung cấp các thông tin về quan trắc môi trường phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân.

Được biết, đến nay toàn tỉnh có gần 170.247 hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên “Postmart.vn” và “Voso.vn”, trong đó có 105.336 tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử và hơn 1.007 sản phẩm nông nghiệp đưa lên 2 sàn thương mại điện tử; đồng thời, có hơn 1.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx.vn”…

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện hiệu quả việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử. Thông qua nhiều giải pháp, bằng sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ được triển khai toàn diện, đồng bộ, thành công trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.  

LÊ PHƯƠNG - A.P

(Còn tiếp)

.
.
.