.

TP. Gò Công: Thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới phát triển bền vững

Cập nhật: 23:46, 16/08/2024 (GMT+7)

TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Sự đột phá của công tác CCHC thời gian qua được xem là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho thành phố.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ VÀ PHỤC VỤ

Thời gian qua, công tác CCHC trên địa bàn TP. Gò Công có nhiều đổi mới, đặc biệt đã coi trọng kỷ cương, kỷ luật hành chính; đề cao chế độ và phương thức làm việc tập thể, kết hợp với trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm tập trung, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả. Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc…

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình CCHC.
Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình CCHC.

Sự năng động, nhiệt tình trong CCHC, mời gọi đầu tư đã góp phần đưa TX. Gò Công trở thành TP. Gò Công trực thuộc tỉnh, làm nền tảng để TP. Gò Công sẵn sàng đón chờ các nhà đầu tư mới để thành phố phát triển trên chặng đường mới.

Theo đó, công tác CCHC trong những tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định. Nhận thức và trách nhiệm thực hiện CCHC của thủ trưởng các đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức được củng cố, nâng lên; tổ chức bộ máy ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp kịp thời, chính xác đúng theo quy định.

Hiện nay, thành phố đang có 247 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cấp xã có 205 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 và 4 trong 6 tháng đầu năm 2024 có 6.746 hồ sơ, đạt tỷ lệ 57,69%. Từ đầu năm đến nay, qua phần mềm một cửa điện tử, thành phố đã tiếp nhận 11.694 hồ sơ.

Trong đó, tồn ký trước 350 hồ sơ, trực tiếp 4.598 hồ sơ và trực tuyến 6.746 hồ sơ; giải quyết trước, đúng hạn là 11.636 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%.

Bên cạnh đó, thông qua triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, đến nay đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng, phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân, doanh nghiệp như: Tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân; từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các dữ liệu các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

"Thời gian tới, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể; thực hiện phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, khắc phục tình trạng né tránh và đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách TTHC để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới, sáng tạo trong CCHC với việc triển khai thực hiện nhiều mô hình giải quyết TTHC hiệu quả. Thành phố tiếp tục quan tâm cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

CHỦ TỊCH UBND TP. GÒ CÔNG GIẢN BÁ HUỲNH
 

UBND thành phố đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về triển khai thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân thuộc địa bàn quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục chứng thực điện tử.

Hỗ trợ người dân từng bước thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính khi có yêu cầu. Từ đầu năm tới nay, TP. Gò Công đã thực hiện 2.466 hồ sơ hộ tịch nộp trực tuyến và 2.113 trường hợp chứng thực bản sao điện tử qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Chủ tịch UBND TP. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.

Việc tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC, đã được UBND thành phố tổ chức quán triệt, tuyên truyền và thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC. UBND thành phố đã tổ chức đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp trên địa bàn với 115 đại biểu tham dự.

Qua đó, đã lắng nghe các khó khăn, vướng mắc về tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến TTHC cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư; động viên những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, tuyên dương những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chính sách thuế và có thành tích trong việc hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

HƯỚNG ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện công tác CCHC trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế nhất định. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn gặp khó khăn, tỷ lệ chứng thực văn bản điện tử của người dân còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc tiếp nhận bản sao điện tử trong giải quyết TTHC.

CCHC đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận tiện.
CCHC đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Ở một số đơn vị xã, phường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Một cửa chưa đáp ứng yêu cầu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công một số đơn vị vẫn còn chậm. Việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, nhập hồ sơ lên phần mềm một cửa của xã, phường còn hạn chế chưa đầy đủ trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích còn gặp khó khăn. Việc kiểm soát TTHC của các ngành hiện nay chủ yếu thực hiện văn bản cấp trên.

Việc giải quyết hồ sơ còn trễ hẹn do các yếu tố khách quan như: Đường truyền liên thông nâng cấp chưa đảm bảo, hồ sơ liên thông giữa Văn Phòng đăng ký sử dụng đất và thuế còn chậm, nhất là người dân nộp thuế không đảm bảo đúng thời gian giải quyết theo quy định. Việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến Quốc gia còn hạn chế.

Đường truyền tốc độ truy cập chậm, hay bị lỗi dẫn đến việc truy cập đăng ký dịch vụ công của công dân và tiếp nhận xử lý hồ sơ trực tuyến của cán bộ, hệ thống truy cập đôi lúc bị nghẽn, trả mã OTP chậm hoặc không trả mã OTP để thực hiện đăng ký và kích hoạt.

Đa số người dân không muốn mất thời gian nên đã trực tiếp đến Bộ phận Một cửa thành phố và xã, phường thực hiện giao dịch nhanh chóng để tranh thủ nộp hồ sơ cho các trường học, công ty và có một số người có sử dụng điện thoại thông minh nhưng sim điện thoại chưa đăng ký chính chủ nên gặp khó khăn trong việc tạo tài khoản.

Trong bối cảnh này, TP. Gò Công đã đặt ra nhiệm vụ CCHC từ đây đến cuối năm 2024, gắn liền với phong trào thi đua “Đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp, khảo sát chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức nhằm nâng cao sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tập trung thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cấp trên chuyển đến.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường thực hiện tốt các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác văn bản, thực hiện đúng các quy định về xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

HÀ NAM - LÊ MINH - T.T

.
.
.