Cần có cơ chế phân bổ lại nguồn lực và lợi ích
Đó là một trong những điểm nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 27-4, trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL lần này quy tụ trên 300 đại biểu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đại diện 33 cơ quan ngoại giao nhằm mục tiêu giới thiệu thế mạnh, tiềm năng của ĐBSCL, chiến lược, cơ chế chính sách về liên kết cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào vùng ĐBSCL...
Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, nông dân và các tổ chức tín dụng gặp gỡ, trao đổi để tăng cường liên kết nhằm nâng cao chất lượng chính sách tín dụng nông thôn…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư Nguyễn Nguyễn. |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá vai trò quan trọng của vùng ĐBSCL trong tổng thể chung của cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách cho vùng ĐBSCL phát triển dựa trên lợi thế của từng tỉnh, thành và trong mối liên kết liên vùng; rà soát quy hoạch của từng vùng và đầu tư mới để tạo ra những "cú hích" huy động thêm nguồn lực để đầu tư phát triển toàn khu vực.
Các tỉnh, thành trong vùng cũng hướng đến mục tiêu liên kết vùng trong tổng thể chung của cả nước, vì đây là yêu cầu quan trọng trong hội nhập và phát triển, theo 2 hướng: Liên kết bắt buộc từ Trung ương xuống địa phương và liên kết tự nguyện giữa các tỉnh, thành.
Sự liên kết là cần thiết nhưng không triệt tiêu lợi ích, lợi thế của nhau, vì vậy cần có quy chế ràng buộc và những chế tài giữa các tỉnh, thành liên kết. Cùng với sự liên kết phát triển cũng cần có cơ chế phân bổ lại nguồn lực và lợi ích của các tỉnh, thành nhằm đảm bảo mục tiêu chung là phát triển cho cả vùng.
Các chuyên gia cũng đã đánh giá, nhìn tổng thể 10 năm gần đây, kinh tế toàn vùng ĐBSCL luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn, tạo được những điểm nhấn quan trọng. Bên cạnh đó, ĐBSCL đã được Trung ương quan tâm đầu tư những dự án trọng điểm nhằm tạo động lực mới cho khu vực.
Chẳng hạn, Trung tâm khí điện đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất 1.500 MW, cung cấp 9 tỷ KWh/năm và nhà máy đạm Cà Mau, có công suất 800.000 tấn urê/năm, đáp ứng được 40% nhu cầu cả nước. Ngoài ra, Trung tâm Điện lực Cần Thơ, các nhà máy điện Duyên Hải, Trà Vinh, Sóc Trăng… cũng như các dự án đầu tư giao thông mang tính trọng điểm, đang được triển khai xây dựng tạo thêm động lực mới cho đồng bằng.
Tuy nhiên, trên thực tế tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL vẫn chưa được khai thác đúng mức, liên kết vùng chưa chặt chẽ, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn thấp. Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng, ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh.
Cần công khai hóa và minh bạch trong quản lý, điều hành việc đầu tư. Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực cho ĐBSCL phát triển...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần dành tỷ lệ ngân sách thích hợp và huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho vùng ĐBSCL để đầu tư kết cấu hạ tầng. Kêu gọi vốn ODA, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các nhà tài trợ cho vùng để phát triển các lĩnh vực thủy lợi, giao thông nông thôn, kết hợp phòng, chống thiên tai...
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc kết nối liên kết vùng và tăng cường liên kết vùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác, nhất là với TP. Hồ Chí Minh. Đối với các địa phương trong vùng, cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công bố công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong vùng tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” và thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng với nhau, nhất là việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau nhằm tạo sức mạnh chung cho cộng đồng doanh nghiệp trong vùng.
Mặt khác, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh chung của vùng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh; có biện pháp tăng cường khuyến khích phát triển kinh tế biển, du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao...
Tại Hội nghị có 11 dự án được cấp giấy phép đầu tư, tổng trị giá các dự án đầu tư gần 4.700 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nhà ở, khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, trang trại chăn nuôi, lương thực. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký 9 hợp đồng tín dụng cung ứng vốn lưu động và vốn trung, dài hạn, trong đó tài trợ cho 7 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 1.988 tỷ đồng.
THẾ ANH - SĨ NGUYÊN