Quốc hội xem xét, quyết định 4 vấn đề quan trọng
Sáng ngày 21-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng sau đây:
Một là, xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...
Hai là, xem xét, thông qua 13 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giá; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giáo dục đại học; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Đại biểu Quốc hội làm việc tại nghị trường. Ảnh: dangcongsan.vn |
Ba là, xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thủy điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011, những tháng đầu năm 2012 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
* Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Sáng ngày 22-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 5 chương, 35 điều (tăng 3 điều so với dự thảo).
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng thể hiện rõ mục đích giảm cung, không mở rộng quy mô sản xuất thuốc lá. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; các hành vi bị nghiêm cấm...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân.
Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá (vì vẫn phải trồng và sản xuất thuốc lá để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những người chưa thể bỏ hút thuốc)...
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến, đó là việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Về nội dung này, đa số ý kiến đồng ý với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích vỏ bao thuốc lá, sau 5 năm thực hiện sẽ tăng dần lên 50% và có thể nâng lên mức chiếm 2/3 diện tích vỏ bao thuốc lá…
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền.
(Theo chinhphu.vn, dangcongsan.vn)