Thứ Sáu, 04/05/2012, 11:22 (GMT+7)
.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng:

Chống tham nhũng, loại trừ nguy cơ tiềm ẩn

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ: “…Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Trong những biểu hiện tiêu cực nêu trên, tham nhũng đang trở thành nguy cơ tiểm ẩn của Đảng và chế độ.

Về vấn nạn tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có nạn tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu”(1) và khẳng định: “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”(2). Tham nhũng là “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(3).

Trong bài viết "Thế nào là liêm?" đăng trên Báo Cứu quốc ngày 1-6-1949, Người viết: “Trước hết là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(4). Người còn nhấn mạnh câu nói của Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”(5).

Người dạy: “Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân… Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì… Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó …”(7).

Thủ
Công tác phòng, chống tham nhũng cần làm quyết liệt hơn. Ảnh: chinhphu.vn

Năm 1952, tại Hội nghị về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.

Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”(8).

Trong bài "Trả lời các nhà báo nước ngoài" đăng trên Báo Cứu quốc số 147, ngày 21-1-1946, Người đã đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”(9).

Hai tội danh này đều xếp vào khung hình phạt theo Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt, ngày 26-1-1946 do Người ký.    

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn trừ sạch nạn tham nhũng thì trước hết và quan trọng nhất là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc sinh ra bệnh quan liêu. Chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh mà sự gian nan không kém gì chiến đấu trên mặt trận trực diện với kẻ thù, thậm chí còn đòi hỏi tính mưu trí cao gấp nhiều lần.

Từ các giải pháp nêu trong Nghị quyết trung ương 4 khóa XI và những luận điểm Bác đã chỉ ra, thiết nghĩ để đẩy lùi, đấu tranh không khoan nhượng với vấn nạn tham nhũng, chúng ta cần tập trung thực hiện 5 giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; thường xuyên làm tốt việc tự phê bình và phê bình; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể… những người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; thực hiện cải cách hành chính; xây dựng, ban hành đủ các văn bản quy phạm mới, sửa đổi các luật không còn phù hợp.

Thực hiện nghiêm chế độ quản lý tiền mặt; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho”; tiền lương phải bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức và gia đình họ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; nghiêm trị những cán bộ, đảng viên tham nhũng ở mọi cấp, mọi vị trí công tác.

Hai là, thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản. Phần tài sản phát hiện ngoài bản kê khai phải được tịch thu sung công. Đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện giàu lên một cách nhanh chóng, khi xác minh, nếu họ không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của khối tài sản đó thì cũng xử lý như phần tài sản để ngoài bản kê khai nói trên.

Ba là, dựa vào quần chúng để đấu tranh chống tham nhũng. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Đảng có “nghìn tay, nghìn mắt” cũng không thể quản lý được cán bộ, đảng viên, mà phải có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác chống tham nhũng nói riêng.

Các cấp ủy Đảng phải thực hiện tốt, có nền nếp, không làm chiếu lệ, hình thức việc tự phê bình của các tổ chức Đảng trước quần chúng và mở rộng chế độ quần chúng phê bình các tổ chức Đảng, cán bộ,
đảng viên.

Bốn là, phát huy vai trò xung kích của báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

Năm là, phát huy vai trò của chi bộ cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đạt cho được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.  

Chống được tham nhũng là xóa đi một trở lực lớn trên con đường phát triển nhanh của đất nước, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước và quyết tâm chính trị cao của toàn xã hội.

NGUYỄN XUYẾN

(1)(2)(3)(7)(8): Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG – Hà Nội  - 1995 – Tập  6 - tr 489 - 490 - 534 - 488 - 386.
(4) (5) (6): Sđd – Tập  5 - tr 641 - 642.
(9): Sđd – Tập  4 - tr 161 - 162.
 

.
.
.