Những bài học qua 25 năm xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), công tác xây dựng Đảng càng được đặc biệt chú trọng, thể hiện qua nghị quyết các nhiệm kỳ đại hội:
* Đại hội VI của Đảng (từ ngày 15 đến 18-12-1986) đã nêu rõ: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.
* Đại hội VII của Đảng (từ ngày 24 đến 27-6-1991) khẳng định tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
* Đại hội VIII của Đảng (từ ngày 28-6 đến 1-7-1996) chỉ rõ: “Trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”.
Hội nghị Trung ương 6 - lần 2 (ngày 2-2-1999), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ra Nghị quyết: “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã nhấn mạnh: “Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình… nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng”.
* Đại hội IX của Đảng (từ ngày 19 đến 22-4-2001) quyết định: Toàn Đảng phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
* Đại hội X của Đảng (từ ngày 18 đến 25-4-2006) xác định: “Tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân”.
* Đại hội XI của Đảng (từ ngày 12 đến 19-1-2011) khẳng định: “Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay… Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên”.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (từ ngày 26 đến 31-12-2011) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết nêu rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững…”.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(1).
Tình hình tiêu cực trên do nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu:
Một là, tự phê bình và phê bình là “quy luật phát triển của Đảng”, là khâu đột phá và là biện pháp có ý nghĩa then chốt bảo đảm cho các giải pháp khác thắng lợi là một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhưng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Nội dung kiểm điểm của tập thể và cá nhân có “độ vênh” khá lớn. Khuyết điểm của cá nhân chưa thể hiện đầy đủ khuyết điểm chung của tập thể đã nêu trong các báo cáo. Đảng ta vẫn coi tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, nhưng cho đến nay hầu như chưa có cán bộ, đảng viên nào tự giác nhận là mình có tham nhũng.
Tự phê bình và phê bình vẫn còn nặng tình trạng “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, “dĩ hòa vi quý”, “dễ người dễ ta”, “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa đưa được những vấn để nổi cộm của cơ quan, đơn vị, địa phương vào kiểm điểm. Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, phần kiểm điểm về đạo đức, lối sống còn hời hợt, qua loa. Chưa thực hiện cơ chế xử lý đối với tổ chức, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu...
Hai là, cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa nêu gương về tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”. Những khuyết điểm của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo không được tự giác nhận ra, không được làm rõ thì đến khi chỉ đạo cấp dưới sẽ không thể có sự thẳng thắn, vô tư mà thường rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai” và kém hiệu quả.
Cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu không tự giác, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì sẽ trở thành rào cản lớn kìm hãm, làm biến dạng chế độ tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Cán bộ lãnh đạo nghiêm túc tự phê bình và phê bình có nghĩa là vừa thực hiện chức năng tự giáo dục, vừa là tấm gương sáng trước cấp dưới và quần chúng.
Ba là, chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng, nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết”. Hơn ai hết, nhân dân hiểu rất rõ những thành tích cũng như những khuyết điểm của tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên ở nơi họ sinh sống.
Đảng có “nghìn tay, nghìn mắt” cũng không thể quản lý được cán bộ, đảng viên, mà phải có cơ chế để người dân tham gia ý kiến phê bình, chất vấn tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy Đảng phải thực hiện tốt, có nền nếp, không làm chiếu lệ, hình thức việc tự phê bình của các tổ chức Đảng trước quần chúng và mở rộng chế độ quần chúng phê bình các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.
Bốn là, chưa phát huy tốt vai trò của chi bộ, đảng bộ cơ sở là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đạt hiệu quả cao từ cơ sở, chủ yếu là ở chi bộ. Do vậy, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt của chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Sinh hoạt của chi bộ đạt chất lượng cao sẽ tác động làm cho chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh thì có nhiều đảng viên tốt. Có nhiều chi bộ mạnh, nhiều đảng viên tốt sẽ góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo trường tồn của Đảng với dân tộc, hướng tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những nguyên nhân của tình hình yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong 25 năm qua cũng là những bài học bổ ích rất đáng tham khảo khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
NGUYỄN XUYẾN
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.