Thứ Sáu, 31/08/2012, 16:38 (GMT+7)
.

Những vũ khí thô sơ làm nên kỳ tích oai hùng

Những hiện vật là những vũ khí thô sơ, tự tạo còn lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang như: gậy, tầm vông vạt nhọn, súng cây giả, trống, mõ, độc kiếm… làm nên bao kỳ tích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Tiền Giang. Xin nêu một số hiện vật tiêu biểu:

* Gậy tầm vông: Ông Võ Văn Lượng (An Hữu - Cái Bè) sử dụng vào năm 1945. Khi đó ông là Trưởng Thanh niên Tiền Phong của xã. Ngày 24-8-1945, ông đã dẫn đầu Đoàn Thanh niên Tiền phong của xã (gần 100 người) mang theo: gậy, gộc, tầm vông vạt nhọn, dao găm, dao, phảng, giáo, mác… đi biểu tình giải tán tổ chức tề làng ở xã An Hữu.

Sau đó đoàn biểu tình phối hợp với lực lượng vũ trang của các xã lân cận kéo đến chiếm quận lỵ Cái Bè và tiếp tục kéo về Mỹ Tho, góp phần đánh chiếm các công sở của chính quyền Nhật - Pháp.

Tham quan hiện vật thời kháng chiến tại Bảo tàng Tiền Giang.
Tham quan hiện vật thời kháng chiến tại Bảo tàng Tiền Giang.

* Độc kiếm: Do ông Hồ Văn Văn ngụ ấp Mỹ Phúc (Mỹ Thiện, Cái Bè) sử dụng vào năm 1945. Khi đó ông là đội viên Đội Tự vệ chiến đấu quân (công tác quân báo) của xã Mỹ Thiện. Ông đã dùng cây sắt tạo ra vũ khí thô sơ “cây độc kiếm” để diệt ác phá tề tại xã Mỹ Thiện và đã tiêu diệt được một số tên Việt gian làm tay sai cho Pháp. Đội Tự vệ chiến đấu quân đã được nhân dân tin tưởng, nuôi dưỡng và che chở trong suốt cuộc kháng chiến.

* Súng Mus giả: Trong năm 1945 do vũ khí còn ít, để uy hiếp địch và bọn Việt gian bán nước, Chi bộ ấp Tân Thuận, xã Bình Đức đã nhờ ông Lê Văn Khả là thợ mộc ở ấp làm khẩu súng Mus giả. Theo chủ trương “Bao vây thành thị” của Đảng trong thời kỳ chống Pháp, súng được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng vào việc xét ghe tàu buôn bán lậu vào ban đêm ra thành phố.

* Súng cây: Do ông Phan Xuân Mùi, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong xã Tân Hương (Châu Thành) chế tạo để trang bị cho Đội Thanh niên Tiền phong của xã vào năm 1945. Trên mũi súng gắn cây sắt nhọn, mỗi khi gặp giặc thì dùng đầu sắt nhọn đâm. Ban đêm ta đi hoạt động, bọn địch hốt hoảng tưởng nhầm ta có vũ khí thật nên không dám chống cự mà bỏ chạy, ta thu được nhiều thắng lợi.

* Chìa khóa chữ T: Năm 1945, phối hợp với các lực lượng của xã và các xã lân cận, Ủy ban lâm thời xã Tân Hương (Châu Thành) đứng ra tổ chức du kích và nhân dân phá cầu đúc Tân Hương, đường ray xe lửa từ Mỹ Tho đi Sài Gòn để ngăn chặn đường tiến quân và tiếp tế của thực dân Pháp. Chìa khóa chữ T vặn được những con ốc của cầu, đường ray xe lửa mà nhân dân xã Tân Hương đã sử dụng.

* Trống báo động: Trong năm 1945, tại chùa Long Nguyên (Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) sử dụng một chiếc trống khá to (cao 1,20m, đường kính 0,60m) vào việc cúng tế hàng ngày, nhưng mỗi khi có địch càn quét thì nhà chùa lại cho lực lượng cách mạng mượn đánh để báo hiệu cho quân và dân đối phó.

***

Càng nhìn ngắm hiện vật, chúng ta càng cảm phục lòng yêu nước nồng nàn của cha ông ta đã “lấy yếu đánh mạnh”, lấy sức mạnh đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh tổng hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tiền Giang nói riêng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát, đồng tâm hiệp lực chống kẻ thù chung của dân tộc để đi đến thắng lợi, Tổ quốc được thống nhất, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.