Bức ảnh truyền thống “lấy thân mình làm bệ súng”
Đồn Vàm Láng (nay thuộc thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) là 1 cứ điểm trong hệ thống đồn bót của địch vùng ven biển Gò Công được phòng ngự kiên cố và trang bị hỏa lực mạnh. Anh Dương Văn Tây là ngụy binh trong đồn Vàm Láng được giao sử dụng khẩu súng đại liên kiểu Nhật cỡ nòng 7,7mm. Anh được cách mạng giác ngộ.
Đêm mùng 7 Tết năm 1948, Tiểu đoàn 305 Gò Công tiến đánh đồn Vàm Láng, có anh Tây làm nội ứng. Kế hoạch tác chiến không thành, anh Tây tháo thân cây súng đại liên ra khỏi chân súng (vì không thể vác được cả thân lẫn chân súng do nặng) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Tư xách một khẩu súng trường Nhật về với Tiểu đoàn 305.
Một buổi luyện tập lấy thân làm “bệ đỡ” súng đại liên của địch. |
Súng đại liên 7,7mm của Nhật. |
Đại liên là vũ khí có trọng lượng nặng, khi bắn súng rung động mạnh, nhiệt độ cao; không có chân súng thì khó có thể sử dụng được. Dù được biết công binh xưởng Đại đội 18 đang khẩn trương nghiên cứu làm chân súng thay thế, không chờ đợi, các chiến sĩ Tiểu đoàn 305 Gò Công đã nỗ lực tập luyện “lấy thân mình làm bệ súng” để sẵn sàng sử dụng ngay khi có trận chiến.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tấm gương chiến sĩ Bế Văn Đàn “lấy thân làm giá súng” nâng cao nòng súng trung liên để đồng đội bắn máy bay địch là hình ảnh truyền thống của quân đội ta.
Liên tưởng hình ảnh ấy, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 305 Gò Công đã hăng hái tập luyện, sẵn sàng chịu đựng sự tổn thương thân thể, sử dụng được loại vũ khí hiện đại tịch thu của địch để chiến đấu chống địch, đã gợi lên trong chúng ta lòng cảm phục và quý trọng biết bao.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 305 Gò Công, xin gởi đến quê hương Gò Công một hình ảnh truyền thống của tiểu đoàn để được cùng chia sẻ.
NGUYỄN VĂN HINH
(Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 305)