Nguyễn Ái Quốc với người sáng lập Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
Năm 1857, một nhà giáo ở vùng nông thôn Aixue của nước Đức sinh ra một người con gái, đặt tên là Cla-Ra-Xét-Kin. Lớn lên Cla-Ra-Xét-Kin học tại một trường tư thục ở Lai Xích.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Cla-Ra-Xét-Kin hoạt động trong phong trào công nhân và gia nhập Đảng Xã hội dân chủ Đức. Vì bị khủng bố, truy lùng, từ năm 24 tuổi Cla-Ra-Xét-Kin đã phải ra nước ngoài hoạt động. 18 năm sau (năm 1899), tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản lần thứ Nhất ở thủ đô Pa-ri (Pháp), Cla-Ra-Xét-Kin đã đọc diễn văn nêu bật vai trò của phụ nữ trong đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.
Nội dung bài diễn văn đó đã trở thành cương lĩnh đấu tranh của phong trào phụ nữ quốc tế trong một thời gian dài và Ăngghen đánh giá cao vai trò của Cla-Ra-Xét-Kin trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cla-Ra-Xét-Kin trở thành một chiến sĩ cộng sản người Đức nổi tiếng, là một nhà báo và là chủ bút Tạp chí Bình Đẳng do chính bà sáng lập năm 1890, có quan điểm và đường lối cách mạng rõ ràng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy dệt 8-3 Hà Nội nhân dịp nhà máy chuẩn bị khánh thành và chính thức bước vào sản xuất (ngày 8-3-1965). |
Năm 1907, Đại hội Phụ nữ Quốc tế được triệu tập theo đề nghị của Cla-Ra-Xét-Kin. Tiếp đó, một tổ chức quốc tế của phụ nữ ra đời và Cla-Ra-Xét-Kin được bầu làm Bí thư đầu tiên.
Năm 1910, Hội nghị Phụ nữ Quốc tế họp tại Cô-pen-ha-ghen (thủ đô Đan Mạch) và theo sáng kiến của bà, hội nghị đã lấy ngày 8-3 hàng năm làm ngày đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ thế giới. Ngày Phụ nữ Quốc tế ra đời năm ấy, cách đây 103 năm, trở thành ngày lễ hội truyền thống của phụ nữ khắp năm châu, nhằm đấu tranh cho phụ nữ toàn cầu có quyền bầu cử và quyền bình đẳng của phụ nữ đang chiếm 1/2 dân số thế giới.
Trong thời kỳ sôi động của phụ nữ toàn cầu vùng lên đấu tranh giành quyền làm người, Nguyễn Tất Thành bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, đang làm thuê kiếm sống để hoạt động ở Mỹ, Anh và Pháp. Tháng 10-1920, với tên mới Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Tua, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Đại hội này đã được đón tiếp đồng chí Cla-Ra-Xét-Kin, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đức, với cương vị là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Quốc tế Cộng sản đến dự đại hội.
Tại Đại hội lần thứ 18 này, Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua, bà Cla-Ra-Xét-Kin với cương vị là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế tham dự Đại hội đã đọc một bài diễn văn quan trọng. Bài diễn văn đã làm cho Nguyễn Ái Quốc - một trong các đại biểu của các nước thuộc địa Pháp tham dự Đại hội, đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, hiểu thêm nhiều điều về Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng như mối hiểm họa mà bọn cơ hội rắp tâm gây ra cho giai cấp vô sản thế giới; biết thêm tình hình thế giới, phong trào phụ nữ quốc tế và những thành quả của chị em phụ nữ sau 1 thập niên thành lập. Nguyễn Ái Quốc đã được đọc tác phẩm Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và từ đây Người nhận thấy: Đây là con đường giải phóng cho chúng ta!
Nguyễn Ái Quốc làm quen với Cla-Ra-Xét-Kin từ đó. Bà đã giúp Nguyễn Ái Quốc học tiếng Đức và quan trọng, thiết thực nhất là bà - một chiến sĩ Cộng sản Quốc tế, năm ấy đã 63 tuổi - đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc đó mới 30 tuổi) rất nhiều vấn đề về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của giai cấp công nhân và nhân dân hai nước Việt - Đức.
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc lại được gặp bà Cla-Ra-Xét-Kin tại Mát-xcơ-va. Hai chiến sĩ cộng sản đã kể cho nhau nghe những chuyện hoạt động cách mạng đầy gian khó của mình, càng gắn bó với nhau hơn về trách nhiệm của mỗi người đối với Quốc tế Cộng sản và phong trào công nhân thế giới. Từ đó Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều tư liệu quý để viết bài về “Phụ nữ Quốc tế” sau khi Người sang hoạt động cách mạng ở Liên Xô, Trung Quốc giữa thập niên 20, đầu thế kỷ XX.
Bài “Phụ nữ Quốc tế” đã được Người viết dưới 3 tiêu đề: Vì sao phải lập ra Phụ nữ Quốc tế? Lịch sử Phụ nữ Quốc tế và cách tổ chức của Phụ nữ Quốc tế ra thế nào?
Phần đầu Người viết: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn “sửa sang xã hội” mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào”. Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn (nội trợ) cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”.
Tại Đại hội Phụ nữ Quốc tế lần thứ 3 ở Mát-xcơ-va năm 1924, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đến dự, vừa là khách mời, vừa là đại diện cho ý chí và nguyện vọng quần chúng lao động xứ Đông Dương. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp lại bà Cla-Ra-Xét-Kin và nhiệt liệt chúc mừng bà được bầu làm Tổng Bí thư của Phụ nữ Quốc tế.
Bà Cla-Ra-Xét-Kin còn được Hội nghị lần thứ Nhất của Hội Cứu tế đỏ Quốc tế bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội. Ngoài việc cứu tế nạn nhân chiến tranh, thiên tai, Hội còn che chở, bênh vực cho các chiến sĩ cách mạng từ nhiều nước khác nhau vì một mục đích chung, sau đó không lâu chính Hội Quốc tế cứu tế đỏ do Cla-Ra-Xét-Kin đứng đầu đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cứu Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù đế quốc Anh ở Hương Cảng.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm các nước Đông Âu, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Đức, quê hương của Cla-Ra-Xét-Kin. Người tỏ lòng khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của người chiến sĩ cộng sản Cla-Ra-Xét-Kin đã suốt đời đấu tranh vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân loại, sáng lập ra Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 từ 103 năm trước.
Năm 1933, bà Cla-Ra-Xét-Kin từ trần tại Nga (quê chồng), thọ 76 tuổi. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm các nước Đông Âu. Trong buổi gặp Vin-Hem-Pích, Chủ tịch Đảng Xã hội thống nhất Đức, Hồ Chủ tịch đã nhắc lại với tấm lòng khâm phục vô hạn về tinh thần chiến đấu không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ của bà Cla-Ra-Xét-Kin và gửi lời hỏi thăm gia quyến của bà - một phụ nữ nước Đức dũng cảm, đã tận tụy đấu tranh vì nhân loại cần lao và là người đề xướng thành lập Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bất tử.
NGUYỄN THANH HOÀNG