Thứ Bảy, 09/03/2013, 11:37 (GMT+7)
.

Đảng ta luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Trong các cuộc góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là về bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Đa số ý kiến đều cho rằng, dự thảo Hiến pháp tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là cần thiết và đương nhiên
 
Tại Hội nghị lấy ý kiến các Chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành phố đóng góp vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ông Lương Anh Tế, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng, việc quy định rõ một điều trong Hiến pháp về một Đảng chính trị có lẽ là đặc trưng riêng có của Việt Nam, đó là sự cần thiết và đương nhiên.

       Đảng ta luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đảng ta luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

“Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập và dân tộc, lập ra Nhà nước. Trong suốt quá trình lịch sử dân tộc thì Đảng ta luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thành quả cách mạng của dân tộc ta có được ngày hôm nay là sự kết hợp sức mạnh dân tộc, truyền thống đoàn kết, sự tự lực tự cường của nhân dân ta và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Đó là điều không thể phủ nhận”.
 
Theo ông Tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng có những lúc sai lầm về phương pháp cách mạng, thiếu sót trong tổ chức thực hiện thì đó cũng là lẽ thường tình. Vấn đề là việc nhận thức được những sai lầm, hạn chế và đã sửa chữa để tiếp tục đi lên.

“Ngay trong thời điểm này, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 để chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Một số người đã nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, thiếu biện chứng, nên đã có ý kiến đề nghị sửa Điều 4, hoặc đề nghị bỏ không đưa vào Hiến pháp là không thể chấp nhận được”- Ông Tế nói.
 
Ông Đinh Văn Dực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cho rằng, phải tiếp tục khẳng định vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên cần phải làm rõ hơn việc lãnh đạo Nhà nước và nhân dân của Đảng và khẳng định Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của đất nước.
 
Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn

Theo ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, trong Hiến pháp nhất định phải có Điều 4.

Ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Hiến pháp có nội dung sâu rộng, kết cấu và kỹ thuật lập hiến thể hiện tính nhân văn và đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp đương đại, đảm bảo tính kế thừa và phát triển các bản hiến pháp trước đó, đặc biệt là Hiến pháp 1992.
 
Dự thảo đã thể chế hóa một bước Cương lĩnh xây dựng đất nước và văn kiện của Đại hội XI của Đảng; đồng thời cơ bản đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Dự thảo cũng đáp ứng được tiêu chí là đạo luật gốc và có tính ổn định, lâu dài.
 
Cũng bày tỏ quan điểm thống nhất cao với Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, ông Trịnh Ngọc Giao bày tỏ: “Sự khẳng định này là thể hiện bản chất dân chủ và Xã hội Chủ nghĩa của Nhà nước ta. Đây cũng là điều tất yếu đã được lịch sử chứng minh. Tuy nhiên, để khẳng định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đáp ứng yêu cầu”.
 
Ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An cũng cho rằng, trong Khoản 1, Điều 4 dự thảo Hiến pháp nên quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo duy nhất, đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…” để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đồng thời, nên bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, mọi chủ trương của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân…”. Việc quy định “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân” là còn chung chung, cần thể hiện cụ thể trách nhiệm của Đảng.

(Theo VOV)
 

.
.
.