Thứ Hai, 27/10/2014, 10:54 (GMT+7)
.

ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý 6 nội dung vào dự án Luật BHXH

Ngày 23-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến, tập trung vào 6 nội dung sau:

Một là, về người hoạt động không chuyên trách tại xã (phường, thị trấn), đề nghị dự án luật quy định theo hướng người hoạt động không chuyên trách ở xã (phường, thị trấn) tham gia bảo hiểm bắt buộc vì những lý do sau:

Thứ nhất, nhiều người có quá trình làm việc tương đối lâu dài ở cơ sở, nhưng do yêu cầu công tác như bố trí tham gia cấp ủy, phụ trách công tác tuyên giáo, kiểm tra, tổ chức, chánh văn phòng cấp ủy; do biên chế có giới hạn và do quy định của Luật Cán bộ, công chức (CB-CC) nên họ trở thành người hoạt động không chuyên trách.

Thứ hai, hiện nay có 23 địa phương, HĐND cấp tỉnh đã hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người hoạt động không chuyên trách. Đa số các địa phương đóng trên mức tiền lương cơ sở với mức hỗ trợ từ 50% mức tiền đóng BHXH trở lên.

Thứ ba, theo quy định tại Khoản 2, Điều 87 của dự án luật, Nhà nước hỗ trợ tối đa 10% mức tiền lương cơ sở cho người lao động đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nếu Nhà nước hỗ trợ thêm 4% mức tiền lương cơ sở nữa thì sẽ bằng mức Nhà nước đóng cho CB-CC chuyên trách, nhằm tạo điều kiện cho người hoạt động không chuyên trách ở xã (phường, thị trấn) an tâm công tác.

Hai là, về các hình thức đầu tư được quy định tại Điều 92, thống nhất với quy định của dự án luật là không quy định hình thức ủy thác đầu tư. Vì quỹ BHXH là quỹ an sinh lớn nhất của Quốc gia, liên quan đến nhiều người lao động. Vì vậy phải đảm bảo mục tiêu an toàn khi tiến hành các hoạt động đầu tư tăng trưởng của quỹ.

Ba là, về mức hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 38, mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 39: Tại Khoản 4, Điều 38 dự án luật quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau 1 ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Và tại Điểm b, Khoản 1 Điều 39 quy định mức hưởng 1 ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và Khoản 2, Điều 34 của luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Đề nghị dự án luật nên quy định thống nhất cách tính mức hưởng trợ cấp ốm đau 1 ngày và mức hưởng chế độ thai sản 1 ngày theo tháng chia cho 22 ngày. Vì theo Khoản 2, Điều 104 của Bộ luật Lao động quy định: Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ và người lao động là cán bộ, công chức, viên chức cũng đang thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Bốn là, về lao động nữ đi làm việc trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, được quy định tại Điều 40. Theo quy định tại Khoản 1, điều này thì lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con. Nhưng để thực hiện quyền này, lao động nữ phải đảm bảo một số yêu cầu, trong đó tại Điểm c có quy định “phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý”.

Như vậy, để đảm bảo quyền của lao động nữ cũng như phù hợp với sự sắp xếp, bố trí lao động của người sử dụng lao động, đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể thời gian người lao động nữ “phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 7 ngày làm việc và được người sử dụng lao động đồng ý”.

Năm là, về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 44. Theo quy định tại điều này, người lao động đã được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì điều kiện cần và đủ là: Phải mắc 1 trong các bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành; phải đang làm việc trong môi trường hoặc ngành nghề có yếu tố độc hại; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh, quy định tại Khoản 1 điều này. Đề nghị quan tâm đến 2 vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, thực tiễn thực hiện chế độ này cho thấy cần phải tính đến trường hợp người lao động đang làm việc ở môi trường hoặc nghề độc hại nhưng chưa mắc bệnh theo quy định. Sau đó chuyển sang môi trường nghề làm việc có yếu tố bình thường mới phát sinh bệnh nghề nghiệp thì có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không? Đây là những vấn đề dự án luật cần quy định bảo lưu điều kiện lao động có hại để bảo vệ quyền lợi người lao động hoặc giao Chính phủ quy định.

Vấn đề thứ hai, đề nghị thay quy định khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại ở cuối Khoản 1 bằng quy định “khi làm việc trong điều kiện lao động có yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép” nhằm bảo đảm cách hiểu được thống nhất và đúng với bản chất của cơ chế gây bệnh, tránh để quy định bị lạm dụng và xảy ra khiếu nại.

Theo Khoản 1, Điều 143, Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định: “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”. Như vậy, điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp phải được hiểu là yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Sáu là, về mức hưởng lương hưu hàng tháng được quy định tại Điều 56, đề nghị giữ nguyên mức giảm tỷ lệ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi tại Khoản 3, như quy định hiện hành là cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH; đồng thời việc thực hiện quy định này trong thời gian qua thuận lợi và được người lao động đồng tình.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.