Thứ Ba, 24/02/2015, 10:42 (GMT+7)
.

Giấc mơ xuân

TS. TRẦN THẾ NGỌC
Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy

Sau gần 30 mùa xuân đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng, ngày càng khẳng định được vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Hiện nay, chúng ta đang trên lộ trình hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, bên cạnh những đúc kết qua chặng đường đầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng cần rút tỉa những kinh nghiệm quý giá trong quá trình tăng trưởng của một số nước tiên tiến.

sd
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ngày 29-11-2014). Ảnh: Hòa Thuận

Phát triển nông nghiệp đang là mối quan tâm của cộng đồng thế giới hiện nay, không phải chỉ để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, mà còn là đòn bẩy - yếu tố chủ lực đầu vào cho phát triển kinh tế bền vững.

Đất nước Israel tuy chỉ với diện tích 28.000 km2, bằng khoảng 1/15 diện tích Việt Nam, dân số hơn 7 triệu người. Israel liên tục trải qua chiến tranh, đất đai hạn hẹp, chủ yếu là sa mạc và đồi núi, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Song, với khát vọng vươn lên đã thúc giục nhân dân Israel không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học để vượt qua mọi khó khăn, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ đạt trình độ cao; nhân dân có cuộc sống phong lưu, bình quân thu nhập đầu người 33.000 USD/năm, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về nông nghiệp, công nghệ phần mềm ứng dụng, điện tử viễn thông và hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại,...

Có thể nói, Israel là một trong số ít nước có hình thái nông nghiệp tập thể phát triển thành công với 2 mô hình sản xuất là Kibbutz và Moshav, có phương thức sản xuất gần giống như hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam. Moshav được tổ chức qui củ hơn về mặt quy hoạch xây dựng, nhưng cả hai có điểm chung là tập hợp các trang trại tư nhân dưới sự điều hành của Ban quản lý HTX, hình thành khu vực sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác mới và những tiến bộ trong công nghệ sinh học; như có những nhà máy sản xuất Biobee - ong sinh học, để cung cấp các tổ ong thương mại cho các trang trại thụ phấn cho cây trong nhà kính; hoặc sản xuất các sản phẩm côn trùng có ích như: Ong mắt đỏ, nhện bắt mồi, ruồi đục quả khử tính đực...

Nông dân Israel đều cho rằng: “Nếu muốn phát triển nông nghiệp và nông thôn, hãy đầu tư và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại”. Trải qua nhiều năm thực hiện, không chỉ nông dân thấm thía điều này mà cả hệ thống Nhà nước đều đồng lòng thực hiện một cách nhất quán, cùng tạo nên sự đổi mới nhanh chóng cho các vùng nông thôn.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, phép mầu “kỹ thuật nông nghiệp” đã xuất hiện ở xứ sở sa mạc, đưa năng suất lao động tăng vọt gấp hơn 500% so với thời điểm năm 1950. Các nông trại của Israel hiện đạt năng suất 3 triệu bông hồng/ha, 500 tấn cà chua/vụ; một con bò sữa cho tới 11 tấn sữa/năm - mức “kỷ lục” so với nhiều nước! Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp, Israel không những bảo đảm đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu đến 3 tỷ USD nông sản/năm, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Đó là kết quả tốt đẹp từ sự phối hợp rất chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà nông. Nhà khoa học bám sát đồng ruộng, phần nhiều trong số họ chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân. Các trung tâm nông nghiệp lớn, cả các “làng nông nghiệp” (Kibbutz) đều có các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Hàng năm, Chính phủ Israel đầu tư cho nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới, với gần 100 triệu USD/năm.

Sự phối hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu đảm bảo cho các nhà khoa học thu nhập đủ để phát huy tối đa năng lực chuyên môn.  Chính sách của Nhà nước tập trung mạnh vào việc hỗ trợ kỹ thuật cao để thực hiện quy hoạch cải tạo đất và đầu tư xây dựng các vùng nông trại sản xuất lớn. Cho đến nay, có rất nhiều hệ thống trang trại được nhân rộng trên cả nước.

Quy hoạch hợp lý các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo tiền đề để Nhà nước phân bố và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, các nhà máy thu mua, chế biến tập trung; tạo thuận lợi cho công việc chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm.

Quy hoạch chi tiết nhắm đến việc định hình mối liên kết giữa các nông trại trong một vùng sản xuất, theo chu trình liên hoàn khép kín từ đầu vào đến đầu ra: Sử dụng chung hệ thống cung cấp nước tưới, phân bón, cấp điện, xử lý nước thải, rác thải và phế phẩm nông nghiệp. Các nông trại được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, như nghiên cứu các mô hình trang trại xanh, sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Vật liệu xây dựng mới luôn được quan tâm đổi mới. Các vật liệu màng phủ polymer công nghệ cao đặc biệt được tập trung nghiên cứu. Gần đây, các nhà khoa học Israel đã chuyển giao xây dựng thành công hệ màng phủ nhà kính nông trại mới, có khả năng chiếu sáng rất tốt, gần như trong tuyệt đối, nhưng có khả năng giữ ẩm và trao đổi không khí với môi trường bên ngoài, không cần hệ thống quạt gió nhân tạo.

Hệ màng mỏng còn có khả năng tự khử khuẩn và vi trùng gây hại cho cây trồng, nhờ ứng dụng các thành tựu của công nghệ Nanô,… giúp các nhà vườn giảm 50% lượng nước thất thoát do bay hơi, 70% lượng điện dùng cho thông gió nhân tạo và 10% cho chiếu sáng. Từ đó, đã tạo nên những nông trại “xanh” với năng suất cao ngất ngưởng tại xứ sở sa mạc này.

Bên cạnh đó, các khâu chăm sóc, giám sát và thu hái tự động được phát triển với kỹ thuật và trình độ rất cao. 75% hệ thống nước tưới cho nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không hề có chế độ tưới ngập nước. Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.
 
Tại Nhật Bản - một trong những quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học đứng hàng đầu thế giới; trong  đó có phong trào xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” (One Village, o­ne Product- OVOP), do Giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng năm 1979. Sau đó, phong trào này đã được nhân rộng trên toàn nước Nhật. Hiện nay, mô hình này được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi.

Phong trào đã khuyến khích sự nỗ lực của người dân địa phương trong việc tận dụng nguồn lực tại chỗ, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Mỗi địa phương, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để tập trung sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thế Ngọc  cùng Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong thăm Viện Cây ăn quả miền Nam (ngày 10-3-2014). Ảnh: Thiên An
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thế Ngọc cùng Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong thăm Viện Cây ăn quả miền Nam (ngày 10-3-2014). Ảnh: Thiên An

Có 3 nguyên tắc cơ bản để phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”: Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu; Tự tin sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương qua việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Thực chất của phong trào là mô hình phát triển kinh tế khu vực, lấy các khu hành chính và sản phẩm đặc sắc của địa phương làm nền tảng, dưới sự định hướng và giúp đỡ của Chính phủ. “Mỗi làng một sản phẩm” không chỉ bó hẹp trong các sản phẩm nông nghiệp, mà còn bao gồm các sản phẩm du lịch, công trình văn hóa đặc sắc hoặc các hoạt động lễ hội địa phương,...

Sau 20 năm áp dụng OVOP, Nhật Bản đã có 329 sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao như: Nấm hương Shitake, rượu Shochu lúa mạch, cam Kabosu,... giúp nông dân nâng cao cuộc sống.

Phong trào xây dựng làng xã của xứ sở hoa Anh đào đã thay đổi kỳ diệu bộ mặt nông thôn, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân của hộ gia đình đạt 5,5 triệu Yên, tương đương 44.000 USD/năm, trong đó tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp chiếm 86%. Mở ra thị trường nông thôn cho sản phẩm phi nông nghiệp, kích thích hoạt động tiêu dùng phát triển theo hướng đa dạng.

Sau thập kỷ 90, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hạ thấp giá thành và tăng sức cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp; lần lượt đưa ra các đạo luật hỗ trợ nông nghiệp, Luật Lương thực mới thông qua năm 1995 được sửa đổi cho phù hợp với những quy tắc của WTO và thị trường nông nghiệp thế giới. Năm 1997, Nhật thông qua Luật cơ bản về thực phẩm, nông nghiệp, nông thôn,…

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc là một thực tế thành công, cần được đánh giá để rút ra những nội dung tích cực. Hàn Quốc là quốc gia thuộc Đông Á, diện tích 100,140 km2, dân số 48 triệu người, địa hình chủ yếu là đồi núi, 3 phía đều giáp biển, chỉ khoảng 22% diện tích đất (2 triệu ha) có thể canh tác, không có đồng bằng lớn, hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3.

Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX là một nước nghèo sau chiến tranh, GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD/năm, không đủ lương thực cho tiêu dùng. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra.

Đến năm 1970, Hàn Quốc vẫn còn 70% dân số sống ở nông thôn, trong số đó 80% sống trong nhà mái rạ, vách đất tạm bợ, dùng đèn dầu và không có điện thắp sáng, đường làng nhỏ hẹp, xe bò, xe ngựa không qua lại được, thiếu các công trình y tế, văn hóa,… Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước chậm phát triển ở châu Phi và châu Á.

Qua các chuyến đi nghiên cứu ở nông thôn, Tổng thống Park Chung Hee nhận ra rằng phải tìm mọi cách khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau, xem đây là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn. Những ý tưởng này chính là nền tảng của phong trào xây dựng nông thôn mới (Saemaul Udong - SU) của xứ sở kim chi. Ngay từ đầu, phong trào đổi mới nông thôn đã đề cao “Tinh thần Saemaul” gồm 3 thành tố: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”.

Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU vào năm 1970, được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Phương châm là nhân dân quyết định và làm mọi việc, “Nhà nước bỏ ra 1 vật tư, nhân dân bỏ ra 5 - 10 công sức và tiền của”. Dân quyết định loại công trình, dự án nào cần ưu tiên làm trước, công khai bàn bạc, quyết định thiết kế, chỉ đạo thi công và nghiệm thu công trình.

Năm 1971, Chính phủ chỉ hỗ trợ cho 33.267 làng, mỗi làng 335 bao xi măng. Năm 1972, lựa chọn 1.600 làng làm tốt được hỗ trợ thêm 500 bao xi măng và 1 tấn sắt thép. Sự trợ giúp này chính là chất xúc tác thúc đẩy phong trào nông thôn mới, dân làng tự quyết định mức đóng góp đất đai, ngày công cho các dự án. Nhân dân thi đua cải tạo nhà mái lá sang mái ngói, đường giao thông trong làng, xã được mở rộng, nâng cấp; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng.

Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, khoa học công nghệ giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa. Chính phủ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản, cũng như có chính sách tín dụng nông thôn, cho vay thúc đẩy sản xuất.

Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi thần kỳ. Chỉ sau 8 năm, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản được hoàn thành. Phong trào Saemaul Udong lan rộng đến các thành phố, nhà máy, cơ quan,…

Từ đó đến nay, phong trào Saemaul Udong đã thu được những thành tựu to lớn, góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo trở thành nước phát triển, có nền kinh tế xếp thứ 12 trên thế giới, nằm trong tốp G20 của thế giới, thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 30.000 USD/năm. Trong rất nhiều chính sách phát triển đúng hướng, có tầm chiến lược là các chính sách đầu tư phát triển công nghiệp và phát huy nội lực cộng đồng nông thôn thông qua phong trào làng mới- SU.

Những kinh nghiệm thành công của Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và xây dựng nông thôn mới,… là những bài học đáng suy ngẫm. Điều quan trọng là chúng ta vận dụng ra sao để phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và Tiền Giang nói riêng một cách hiệu quả.

Bức tranh nông nghiệp nước ta trong 20 năm trở lại đây đã có nhiều gam màu sáng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã đạt mức phát triển cao, GDP nông - lâm - thủy sản tăng trung bình trên 4%/năm. Song nhìn chung, sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, chất lượng nông sản thấp. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu lớn, nhưng chủ yếu là nông sản thô, giá trị gia tăng qua chế biến và tiếp thị thấp.

Chúng ta đã nhận diện được vấn đề và đang có nhiều động thái tích cực để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xác định vị thế của nông nghiệp trong tiến trình CNH - HĐH đất nước. Song song đó, Đảng và Nhà nước ta đã phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc, bước đầu gặt hái những kết quả khả quan, làm nền tảng vững chắc cho giai đoạn sắp tới.

Tiền Giang - vùng đất được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” với diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước (hơn 67.000 ha, thu hoạch hơn 1,1 triệu tấn quả/năm), quanh năm cây lành trái ngọt; trong đó có 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước; là một trong những “vựa lúa” của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và đánh bắt thủy - hải sản, tạo cơ sở nguyên liệu vững chắc cho hoạt động công nghiệp chế biến cũng như xuất khẩu nông sản.

Thời gian qua, tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật cũng như mô hình sản xuất tiên tiến thành công như: Sản xuất và nhân giống các cây trồng - vật nuôi tốt, triển khai mô hình sản xuất xoài, thanh long, khóm, rau,… chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Toàn tỉnh có 40/40 xã được chỉ định thiết lập Đề án xây dựng nông thôn mới và đã được phê duyệt. Đến nay, có 4 xã đạt chuẩn theo quy định: Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), Tân Thanh (huyện Cái Bè), Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) và Tam Bình (huyện Cai Lậy).

Tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm qua đạt gần 1.517 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 256 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đang hoàn chỉnh Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiền Giang để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích 200 ha, thuộc 2 xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước và xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành.

Rau xanh ở Israel được trồng trong các ống chứa đất được giữ ẩm và theo dõi bằng hệ thống máy vi tính. Ảnh: Hồng Phúc
Rau xanh ở Israel được trồng trong các ống chứa đất được giữ ẩm và theo dõi bằng hệ thống máy vi tính. Ảnh: Hồng Phúc

Vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là chất lượng của các đồ án quy hoạch, mô hình liên kết phát triển, phương thức xã hội hóa đầu tư, sự phối hợp chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, cần được quan tâm giải quyết tốt hơn.

Như vậy, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cũng như khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong việc nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa từ khâu sản xuất cho đến bảo quản, chế biến, chuyển giao công nghệ,… là vấn đề bức xúc.

Để giải quyết tốt vấn đề này trong thời gian tới, ở cấp vĩ mô và vi mô cần quan tâm tăng cường đầu tư vào phát triển nghiên cứu có chọn lọc; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân, hỗ trợ tín dụng hợp lý, nhằm phát huy tài nguyên con người cũng như áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả nhất. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp, tạo ra bước đột phá về năng suất - chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước.

Nhà nước cần có chính sách bảo hộ hợp lý đối với nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO. Có chính sách hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu đối với nông nghiệp; tăng cường giúp đỡ các HTX, Hội Nông dân để họ làm tốt nhiệm vụ cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, đào tạo, dạy nghề, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản và bảo vệ lợi ích của nông dân.

Hiện nay, diện tích tích tụ ruộng đất bình quân ở nước ta chỉ có 0,6 ha/hộ, vào loại thấp nhất thế giới, dẫn đến sản xuất phân tán manh mún, năng suất thấp. Chính sách dồn điền đổi thửa là giải pháp tốt, nhưng cần có những tác động hỗ trợ cần thiết của Chính phủ; từng bước tích tụ ruộng đất gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đẩy mạnh việc thực hiện liên kết nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp và đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: “Nhà nông - nhà khoa học - Nhà nước và doanh nghiệp”; tổ chức tốt các HTX. Hoạch định rõ chiến lược phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp về thu hút lao động, chế biến nông phẩm, cung cấp vật tư, máy móc cho nông nghiệp,…

Mùa xuân - mùa của ước mơ và hy vọng, chúng ta tin rằng năm 2015, với khát vọng vươn lên và những hoạt động sáng tạo, nền kinh tế nước ta, trong đó có Tiền Giang sẽ cất cánh, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc!

Nhân dịp Xuân Ất Mùi, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, xin gởi đến toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Tiền Giang lời chúc sức khỏe - hạnh phúc - an khang thịnh vượng!

TTN

.
.
.