Gò Công Đông: Những gam màu tươi sáng của bức tranh huyện biển
Trước giải phóng, cuộc sống người dân huyện Gò Công Đông gặp nhiều khó khăn do vùng đất bị nhiễm mặn nặng. Kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu thốn, lạc hậu… Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, huyện Gò Công Đông đã “thay da đổi thịt” và từng bước khẳng định vị thế của 1 huyện biển.
Trước giải phóng, cuộc sống người dân huyện Gò Công Đông gặp nhiều khó khăn do vùng đất bị nhiễm mặn nặng. Kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu thốn, lạc hậu… Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, huyện Gò Công Đông đã “thay da đổi thịt” và từng bước khẳng định vị thế của 1 huyện biển.
Đến với huyện Gò Công Đông trong những ngày bước sang năm mới 2015, chúng ta sẽ cảm nhận được sự đổi thay của 1 huyện biển. Mạng lưới điện phủ khắp từ thị trấn đến nông thôn, đường sá được nhựa hóa, dal hóa khắp thôn xóm; trường học, trạm xá đáp ứng nhu cầu của người dân. Nước sạch đang từng bước đưa đến từng hộ ở các xã vùng sâu, vùng xa. Là một trong những thế hệ gắn bó với xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông lâu đời là gia đình ông Nguyễn Văn Lu.
Năm nay, ông Lu đã ngoài 60 tuổi. Nhìn đời sống người dân từng bước đổi thay, ông Lu tâm sự: “Nhớ lại ngày mới giải phóng, cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, đường sá không có, đèn dầu leo lét, trạm y tế xa xôi. Giờ đây, đường nhựa, đường dal trải khắp thôn xóm; nhà tường, nhà lầu thi nhau mọc lên; nhà nhà có điện, người người được sử dụng nước sạch…
Nhìn cuộc sống người dân như thế, chúng tôi vui mừng lắm!”. Hiện tại, gia đình ông Lu có 9 chiếc tàu công suất từ 400 - 550CV đang đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Cuộc sống gia đình ông cũng vào bậc khá giả ở làng biển Gò Công.
Biết rằng, trên địa bàn huyện Gò Công Đông đâu đó vẫn còn hộ khó khăn, cuộc sống vẫn còn thiếu trước hụt sau, nhưng sự lạc quan của người dân vào tương lai và niềm vui của nhiều người vì sự đổi thay hôm nay đang cho thấy huyện biển “thay da đổi thịt” từng ngày.
Để chứng minh điều đó, ông Đặng Văn Châu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gò Công Đông cho biết: “Năm 1983, Chương trình Ngọt hóa Gò Công được triển khai thực hiện, sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh hoạt từng bước được cải thiện.
Hiệu quả từ chương trình mang lại đã tác động toàn diện, sâu sắc đến kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho vùng Gò Công. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng và ổn định, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Từ vùng đất nhiễm mặn, cuộc sống khó khăn nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện nghèo vùng biển từng bước được thay da đổi thịt.
Sản xuất lúa từ 1 vụ/năm tăng lên 3 vụ/năm. Diện tích gieo trồng màu thực phẩm bình quân đạt 7.000 ha/năm. Toàn huyện có 3.072 ha nuôi thủy sản, trong đó có khoảng 2.000 ha nuôi nghêu; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đạt 68.000 tấn, giá trị đạt 410 tỷ đồng (tăng 10 lần so với giai đoạn 1976 - 1977). Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 khoảng 27 triệu đồng, tăng trên 13 lần so với những năm 1976 - 1977.
Niềm vui được mùa củ hành tím của người dân ở xã Tân Điền. |
Giai đoạn 1976 - 1977, hầu hết các tuyến đường xuống cấp, đường nông thôn chủ yếu đường đất đỏ và đường đất; số hộ sử dụng điện ít, chủ yếu ở đô thị; người dân sử dụng chủ yếu từ nước mưa, ao, kinh rạch. Hiện nay, huyện có gần 300 doanh nghiệp, chủ yếu nằm ở Khu công nghiệp Kiểng Phước - Vàm Láng. Huyện đã có khu du lịch biển 11 ha, bước đầu đã đầu tư xã hội hóa 25 tỷ đồng.
Đường giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa trên 95%. Có 99,95% hộ dân có điện sử dụng; 92,5% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Có 47 trường, trong đó 2 trường THPT, 9 THCS, 22 Tiểu học, 14 Mầm non - Mẫu giáo; có 11 trường đạt chuẩn Quốc gia…
Nói về định hướng cho huyện biển trong thời gian tới, ông Đặng Văn Châu cho biết: Huyện sẽ tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2015 - 2018, huyện Gò Công Đông đã được HĐND tỉnh phê duyệt đầu tư 23 công trình lớn, với tổng vốn hơn 1.580 tỷ đồng. Trong đó, có tỉnh lộ 871B đi vào Khu công nghiệp ở Gia Thuận - Kiểng Phước, nâng cấp đê biển, xây dựng mới chợ huyện, kéo mới đường ống nước máy phục vụ công nghiệp và dân sinh…
Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt làm kè mềm đê biển để tạo phù sa bồi lắng trồng cây chống xoáy lở, nước biển dâng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao; tăng cường liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tiếp tục chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế biển, xem đây là một trong những khâu đột phá, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện; kết hợp xây dựng khu vực phòng thủ ven biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện thu hút các dự án phát triển công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện đã được phê duyệt.
Phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp và phục vụ kinh tế biển; phát triển các tua du lịch sinh thái biển gắn với truyền thống cách mạng của địa phương. Chăm lo an sinh xã hội, các chế độ chính sách, đào tạo nguồn nhân lực. Tập trung lãnh đạo quyết liệt hơn về an ninh, trật tự xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xây dựng tuyến ống tiếp nhận nước ở xã Bình Ân. |
Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, cùng với sự chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, nhiều chỉ tiêu, nghị quyết đã được Đảng bộ huyện Gò Công Đông triển khai đạt hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, làm đổi thay rõ nét bộ mặt nông thôn vùng ven biển, góp phần làm tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy được tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
SĨ NGUYÊN