Tự hào về truyền thống, ngành Y tế Tiền Giang phải phấn đấu nhiều hơn
Cách đây 60 năm, ngày 27-2-1955 Bác Hồ đã gửi thư cho các cán bộ y tế nhân Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc lần thứ nhất, trong đó Bác đã đóng góp những ý kiến thiết thực, vô cùng bổ ích. Cho đến nay lời dạy của Bác vẫn được xem là tư tưởng chỉ đạo về chiến lược và đường lối xây dựng, phát triển ngành Y tế Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc, Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh hướng dẫn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang đến thực tập tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Nga |
Để đề cao trách nhiệm và vị trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biểu dương thành tích, động viên toàn ngành ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và với ý nghĩa tôn vinh những người thầy thuốc, tôn vinh truyền thống cao đẹp của ngành Y tế, ngày 6-2-1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định 39/HĐBT, lấy ngày 27-2 hàng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Kể từ đó, ngày 27-2 trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế và là ngày hội của các thế hệ cán bộ, viên chức y tế.
Thực hiện lời dạy của Người, trong chiến tranh, đội ngũ cán bộ y tế Tiền Giang là những thầy thuốc mặc áo lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy, hết mình phục vụ vì tình thương yêu đồng chí, đồng đội, vì thương binh. Họ còn là những chiến sĩ chiến đấu kiên cường, lập được không ít chiến công và cũng đã có biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, để lại trong lòng đồng chí, đồng đội và người thân lòng kính trọng và sự tiếc thương vô hạn, viết nên những trang sử vàng chói lọi và tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế mà cháu con đời đời không thể nào quên.
Khám bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Ảnh: Hạnh Nga |
Từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, hàng ngàn thầy thuốc tỉnh nhà đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chúng ta đã khống chế và kiểm soát được các loại dịch bệnh, kể cả các loại dịch bệnh đáng sợ nhất thế giới như:
Thương hàn, dịch tả, dịch hạch, lao, sốt rét, ho gà, Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS), sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết Ebola, cúm A H5N1, cúm A H1N1, cúm A H7N9, cúm A H10N8... Một số bệnh đã được loại trừ hoặc thanh toán như bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt, phong…
Công tác khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng ở các tuyến. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa bệnh nhân hoặc tình nguyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo… Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.
Trong năm 2014, vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành Y tế Tiền Giang đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để hình dung khái quát bức tranh về những kết quả hoạt động của ngành, chúng tôi xin nêu lên 10 sự kiện nổi bật trong năm như sau:
1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thông qua việc nâng cao mức ứng dụng công nghệ thông tin cho các dịch vụ và các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Cụ thể là, xây dựng cổng thông tin điện tử trên cơ sở nâng cấp trang thông tin điện tử của Sở Y tế, qua đó tăng cường công tác quản lý, điều hành ngành qua mạng điện tử một cách nhanh chóng, chính xác.
Phối hợp VNPT Tiền Giang triển khai hội nghị giao ban trực tuyến các đơn vị trực thuộc hàng quý kể từ quý IV - năm 2013. Sở Y tế Tiền Giang lần đầu tiên áp dụng báo cáo trực tuyến các bệnh truyền nhiễm cho Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế. Sở Y tế tiếp tục triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý chi phí BHYT, phần mềm quản lý tài sản để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Mổ bắt con tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. |
2. Tiền Giang là 1 trong 8 tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Bác sĩ gia đình” theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đây là giải pháp nhằm giúp giảm tải bệnh viện trong giai đoạn hiện nay; đồng thời là bước đột phá của ngành Y tế với phương châm đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà.
3. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đơn vị duy nhất của khu vực phía Nam được Cục Y tế dự
phòng - Bộ Y tế tái thẩm định công nhận giữ vững chuẩn Quốc gia y tế dự phòng tuyến tỉnh sau 3 năm được thẩm định công nhận đạt chuẩn.
4. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp từ những tháng đầu năm nhưng Tiền Giang đã nhanh chóng kiểm soát được bệnh thủy đậu; khống chế bệnh tay - chân - miệng; không để bùng phát dịch sởi, cúm A H5N1 trên người; giữ vững thành quả thanh toán bệnh sốt bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; khống chế hiệu quả các dịch bệnh lưu hành địa phương, đặc biệt là bệnh SXH duy trì 5 năm liên tục hoàn thành chỉ tiêu giảm >15% số mắc/100.000 dân hàng năm, đạt giảm >50% số ca mắc SXH giai đoạn 2010 - 2014 so với giai đoạn 2006 - 2010.
5. Chất lượng hoạt động của các bệnh viện trong toàn tỉnh đã nâng lên. Cụ thể, qua kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng chất lượng bệnh viện và hoạt động thực tế theo bảng điểm của Bộ Y tế, kết quả chất lượng các bệnh viện nói chung đã nâng lên từ 10 - 30% so với năm 2013.
Riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là 1 trong 2 bệnh viện phía Nam (cùng với Cần Thơ) lần đầu tiên ứng dụng công nghệ Gene Xpert để chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh lao và triển khai lao kháng thuốc tại cơ sở mới của bệnh viện vừa được xây dựng xong trong năm.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và sự thống nhất liên ngành, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã được hỗ trợ kinh phí để nâng cấp cơ sở và sẽ được bổ sung biên chế để chuẩn bị cho lần đầu tiên đảm nhiệm công việc điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
6. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, được sự cho phép của các cấp lãnh đạo, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh đã mạnh dạn hợp tác với Công ty TNHH Thuận Phú xây dựng, đưa vào sử dụng Khu điều trị kỹ thuật cao và theo yêu cầu, với 150 giường bệnh, góp phần giảm tải cho hệ điều trị và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cũng mạnh dạn xây dựng phương án và đã đưa vào sử dụng Khu điều trị dịch vụ sản phụ khoa cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe các sản phụ trong và ngoài tỉnh.
7. Sở Y tế Tiền Giang là một trong những Sở Y tế mạnh dạn đi tiên phong trong việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án xã hội hóa sàng lọc sơ sinh. Kết quả thực hiện rất khả quan, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu được giao khi kinh phí dành cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia (trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) có khuynh hướng giảm dần.
Qua tổng kết năm 2014, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã biểu dương tỉnh Tiền Giang và xem đây là tiền đề, là giải pháp đột phá hợp lý để Bộ Y tế ban hành chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trên phạm vi toàn quốc trong tương lai.
8. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sau khi được xây dựng mới và đưa vào sử dụng Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông và Bệnh viện Phụ sản tỉnh trong năm 2013, thì năm 2014 ngành Y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng Trung tâm Y tế huyện Tân Phước và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, từng bước tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
9. Trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách, được sự hỗ trợ quý báu của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2014 ngành Y tế Tiền Giang được đầu tư cho các hệ thống xử lý chất thải (rác thải và nước thải) khá hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, Bệnh viện Đa khoa Cái Bè, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, giúp các bệnh viện xử lý chất thải y tế nguy hiểm, độc hại theo đúng quy định, góp phần bảo vệ tốt môi trường sống của người dân.
10. Bên cạnh sự cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, ngành Y tế Tiền Giang còn tích cực tham gia công tác xã hội, cụ thể là đóng góp ủng hộ Quỹ “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” hơn 600 triệu đồng chỉ trong vòng 3 tháng vận động. Mặt khác, huy động từ các nguồn đóng góp để xây dựng “Mái ấm công đoàn” cho công đoàn viên ngành Y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong năm 2014.
Càng tự hào về những truyền thống vẻ vang của ngành Y tế, cũng như những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, ý thức về trách nhiệm lớn lao mà Bác Hồ đã dạy, Đảng và nhân dân giao phó, ngành Y tế Tiền Giang càng phải tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, những trở ngại đời thường, giữ gìn hình ảnh người thầy thuốc trong sáng, đáng kính trong lòng mọi người, phấn đấu học tập, rèn luyện về mọi mặt; đồng thời nỗ lực hoạt động, phục vụ thật tốt để đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
BS CKII TRẦN THANH THẢO