Bình đẳng giới phải chính từ nội lực phụ nữ
Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những trao đổi như vậy với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ nhân kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Thành tựu đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam thêm cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Bà có thể đánh giá về những thành tựu trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của chúng ta tính đến thời điểm hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Theo các số liệu thống kê, hiện nay, phụ nữ chiếm 51% dân số của cả nước, về lực lượng lao động, phụ nữ cũng chiếm gần 50%, chị em có mặt khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực và nếu nói về tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế thì phụ nữ tương đương với nam giới. Với tất cả con số ấy, chúng ta càng khẳng định vai trò to lớn, vị trí quan trọng của phụ nữ trong đời sống xã hội, cũng như trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với những đánh giá của Bác Hồ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!”.
Rõ ràng vai trò phụ nữ qua các giai đoạn, qua các thời kỳ cách mạng đều có những đóng góp hết sức to lớn. Nếu nói trong kháng chiến chống ngoại xâm, cuộc chiến đấu giành độc lập đầu tiên của dân tộc ta chính lại do 2 người phụ nữ là Hai Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa.
Điểm lại các thời kỳ lịch sử, dân tộc ta lúc nào cũng có những người phụ nữ rất tiêu biểu, đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì thế mà phải nói hình ảnh của người phụ nữ không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà còn đi vào thơ, ca, nhạc, họa... trở thành đề tài rất dồi dào cho các nghệ sĩ sáng tác.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp để làm sao tạo điều kiện cho phụ nữ tiến bộ và tạo được bình đẳng. Gần đây nhất là tại Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã quy định rất rõ về nam nữ bình đẳng. Ngày nay, Nhà nước, gia đình, xã hội rất tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện vai trò của mình.
Hiện nay, tổ chức nào cũng cơ cấu một tỷ lệ nhất định phụ nữ tham gia, và trên thực tế thì thường là số lượng phụ nữ tham gia luôn thấp hơn so với tỷ lệ được cơ cấu. Bà có thể phân tích nguyên nhân vì sao tỷ lệ tham chính của phụ nữ Việt Nam lại thấp?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Đối với lĩnh vực tham chính, chúng ta rất tự hào là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có 2 đồng chí nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; rồi ở các địa phương cũng vậy, chúng ta có nhiều đồng chí nữ là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch HĐND, các cấp Phó ở tỉnh, thành phố cũng có rất nhiều, đến một nửa các tỉnh, thành phố có các đồng chí nữ tham gia Thường vụ Tỉnh ủy. Có thể nói đây là sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí nữ, là sự tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, là sự quan tâm của cả xã hội, của mỗi gia đình mang đến thành tựu cho người phụ nữ.
Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo còn thấp. Nếu nói về nguyên nhân, chúng ta phải thấy cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nhưng chúng tôi thấy có nguyên nhân nằm ở mặt nhận thức, làm sao chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò, vị trí của người phụ nữ để có những biện pháp cho phụ nữ phát huy được tiềm năng, vai trò sáng tạo của mình, đóng góp cho công việc, cho đất nước.
Bản thân phụ nữ, có một bộ phận còn tự ti, chính bản thân mình còn không nhận ra được giá trị của mình. Phụ nữ nhiều khi phải “vượt qua chính mình”.
Để thực hiện bình quyền, bình đẳng nam nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”.
Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Nếu nói về học vấn thì phụ nữ mình càng lên cao tỷ lệ càng thấp. Tôi lấy ví dụ, ở trình độ thạc sĩ tỷ lệ của chúng ta là hơn 30% trong số những người có trình độ thạc sĩ, đến trình độ tiến sĩ, phụ nữ chỉ còn gần 20%, đặc biệt ở học hàm giáo sư, phụ nữ chỉ còn chiếm 5-6%.
Về tuổi nghỉ hưu của phụ nữ, hiện vẫn đang thấp hơn 5 tuổi so với nam giới, trừ những vị trí từ Thứ trưởng và tương đương trở lên. Đấy cũng là một cái để cho chị em mất cơ hội. Thường là thời gian tuổi trẻ chị em ai cũng phải thực hiện thiên chức sinh đẻ và nuôi con, đến lúc con cái đã lớn, chị em có thể cống hiến thêm thì lại có rào cản là tuổi nghỉ hưu. Chúng ta đều biết là nếu 55 tuổi nghỉ hưu thì có nghĩa là 52 tuổi chị em đã bị dừng lại hết những việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch…
Như vậy, về mặt chính sách, chúng tôi vẫn đề nghị với Đảng, Nhà nước xem xét để tạo thêm bình đẳng. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã có quy định về bình đẳng nam nữ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm. Luật Bình đẳng giới cũng đã có quy định về việc không có phân biệt gì giữa nam và nữ. Chúng tôi rất mong khi đã có quy định, các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn thực hiện để đảm bảo quyền bình đẳng, trước hết là bình đẳng về độ tuổi.
Tôi nghĩ là tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến chị em bị mất cơ hội rất nhiều. Tuy nhiên, tùy từng ngành nghề nên quy định tuổi về hưu khác nhau, những chị em lao động nặng nhọc nên có tuổi nghỉ hưu sớm hơn. Theo tôi, các ngành, các cấp đều nên thực hiện đúng Điều 3 Khoản 187 của Bộ luật Lao động quy định: Lao động là cán bộ quản lý, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Đây là quy định cho cả nam và cả nữ đều được kéo dài như vậy.
Hiện nay, chúng ta chưa có cơ quan quản lý phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội chứ chưa phải là cơ quan quản lý Nhà nước. Bà đánh giá thế nào về ý tưởng thành lập Bộ Phụ nữ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Chúng tôi đã có những nghiên cứu quốc tế cho thấy, hầu hết các quốc gia đều có Bộ Phụ nữ, có thể riêng hoặc ghép chung với các lĩnh vực khác. Ví dụ như: Bộ Phụ nữ và Dân tộc thiểu số ở New Zealand, Bộ Phụ nữ và Dịch vụ cộng đồng ở Malaysia… Ở Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về phụ nữ là chưa có.
Chúng tôi đã có đề tài nghiên cứu để Đảng và Nhà nước xem xét. Đó là việc thành lập: Bộ Phụ nữ, Gia đình và Trẻ em. Chúng tôi đã trình Ban Bí thư TƯ Đảng về đề xuất ấy. Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng ta có cơ quan quản lý về vấn đề ấy. Bộ Phụ nữ không chỉ để quản lý mà còn để khai thác tiềm năng của phụ nữ - hơn một nửa dân số Việt Nam.
Dĩ nhiên, Hội LHPN Việt Nam được giao nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi và lợi ích chính đáng của các thành viên, hội viên. Tuy nhiên, Hội vẫn là tổ chức đoàn thể, được tham gia quản lý Nhà nước, được dự họp Chính phủ, nhưng không phải là thành viên của Chính phủ nên phát biểu, đề đạt ý kiến còn nhiều hạn chế. Nếu chúng ta có một cơ quan quản lý Nhà nước về phụ nữ thì vấn đề phụ nữ được đưa vào trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Tôi thấy rất cần thành lập Bộ Phụ nữ, bởi nếu đạt được bình đẳng giới sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Ở nhiều nước, đóng góp của phụ nữ cho xã hội đã tăng lên rất nhiều nhờ có sự bình đẳng giới.
Xin cảm ơn bà!
(Theo Chinhphu.vn)