Chị Ba Nhung-người tiếp liệu đặc biệt của Quân y Thành đội Mỹ Tho
Từ những năm 1969 - 1970 cho tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4-1975, Trạm xá 1 thuộc Quân y Thành đội Mỹ Tho xây dựng căn cứ ở ấp Giáp Nước, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành Nam, cách kho đạn Bình Đức chưa đầy 1 cây số đường chim bay, bao bọc chung quanh là đồn cầu Thầy Tùng, đồn Chín Hài, đồn Cai Vàng…
Vậy mà trạm xá có lúc phục vụ lên đến 100 thương binh, trong lúc trạm chỉ có 1 y sĩ, 6 y tá và 2 thương binh nặng, mất sức chiến đấu, tình nguyện ở lại làm bảo vệ phục vụ.
Việc đào hầm tránh bom tránh pháo, đào hầm bí mật để cất giấu thương binh lúc địch càn, lo lán trại nơi ăn chốn ở cho thương binh là cả một kỳ công, nhưng cũng không phải là khó lắm.
Thiếu vũ khí thì y sĩ, y tá tìm cách qua rào dây thép gai căn cứ Mỹ ở Bình Đức gỡ mìn, lựu đạn về gài vòng trong và vòng ngoài để bảo vệ thương binh.
Duy chỉ có công việc tiếp liệu là cực kỳ khó, phải làm sao tổ chức mua đủ thuốc men để điều trị, mua gạo, muối, mắm để đủ nuôi thương binh trong điều kiện như thế mới là “trần ai khoai củ”. Vậy nên, chuyện về chị Ba Nhung - người một thời là “tay ngoài” của trạm xá ai cũng nhớ tới bây giờ.
Anh Ba tham gia cách mạng từ khi mới nổi dậy Đồng khởi năm 1960, làm cán bộ ấp, rồi lên xã, lên huyện công tác, để lại cho chị tới trước ngày giải phóng 8 con, sau hòa bình có thêm thằng út. Nhà có hơn 1 mẫu đất, gồm nửa ruộng, nửa vườn, mà ruộng vườn ở ấp Giáp Nước thời chiến tranh không ở đâu không có bom mìn, phải bỏ hoang, chị Ba tảo tần làm mướn nuôi chồng, nuôi con.
Những năm trước 1969, thỉnh thoảng chị Ba làm giao liên đưa thư hoặc mua sắm đồ đạc cho cơ sở xã khi cần. Từ lúc Trạm xá Quân y Thành đội Mỹ Tho về đóng ở ấp Giáp Nước chị mới trở nên… “chuyên nghiệp”.
Chị kể: “Hồi đó ra chợ, mấy thứ bông băng, cồn, thuốc đỏ thì dễ mua. Thằng giặc phát hiện thì mình bảo trong nhà có người bị pháo bắn bị thương, không có tiền đi nhà thương, phải tự lo. Giặc tra xét ngặt nghèo, mua thuốc cầm máu, thuốc kháng sinh phải vô tiệm thuốc Tây, trình giấy căn cước chỉ được bán cho 2 lọ kháng sinh, đi hết tiệm này qua tiệm khác, mua được vài chục lọ mới mang về. Vài ngày sau anh em lại kêu đi mua. Đi mua tháng này qua tháng khác hết sức nguy hiểm…
Ngồi nhắc chuyện hồi xưa, có lúc thấy mắt chị đăm chiêu nhìn ra khoảng không trước mặt, nhớ lại cái thời đối đầu, đối mặt với địch ở khắp chợ Mỹ Tho. Chị nói: “Anh em chiến đấu bị thương không có thuốc điều trị là nhớ đến chồng mình trong kháng chiến, dẫu nguy hiểm vẫn phải tìm mua cho được. Không biết sao mà khoảng từ đầu năm 1969 cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mà mấy thằng mật báo chỉ điểm nó không phát hiện ra tui. Chắc tại tụi nó dở chứ không phải mình hay!?”.
Chị nói như vậy, bởi vì có nhiều lần lính càn, chúng bắt nhiều bà con tra tấn, hỏi: “Có biết ai hay đi vào trong vườn không?” (ý muốn hỏi người tiếp tế cho cách mạng). Có người bị uy hiếp nên sợ mà khai: “Bà Ba Nhung”.
Lần đó nó bắt chị tra tấn suốt 3 ngày đêm, không khai thác được gì nhưng mấy đứa con ở nhà không ai lo. Chị nhắn về nhà chạy vay mượn 600.000 đồng đút lót để được chúng thả về. Về rồi, chị đi làm mướn, mỗi ngày được trăm mấy, hai trăm đồng nuôi con, còn phải dè xẻn để dành trả nợ.
Khó khăn là thế, vậy mà có lần thiếu thuốc đặc trị phong đòn gánh, anh chị em ở trạm gom hết bông tai, dây chuyền, cà rá hơn một lượng vàng đủ loại đưa cho chị ra chợ bán đồ mua thuốc đem về trạm, tiền dư chị giao không thiếu một đồng.
Nhà có lúc thiếu gạo cho con nhưng mỗi ngày chị đều mua gạo rồi gánh vô cho cơ quan Tuyên huấn Thành ủy, cho anh em cơ sở xã Bình Đức, xã Phước Thạnh vài ba chục lít; còn trạm xá thì cứ 3 ngày 1 giạ, tính ra hàng chục tấn, chị cũng không nhín lại cho con lon nào, thà cháo rau qua bữa.
“…Mua thuốc men, gạo, mắm… đủ thứ cho anh em kể công làm gì. Khổ nỗi là gánh những thứ đó trên vai phải mắt trước mắt sau xem không có giặc mới đem về, gần tới nhà phải giấu, chờ thấy ám hiệu êm, có người nhận mới đem vào” - chị cho biết.
Chị kể, có lần giấu 1 giạ gạo trong đống rơm, lát sau lính vô ôm rơm đốt địa hình. Thấy vậy, chị liều mình chạy ra xin lại một đống, nói là để đậy cây trồng. May mà chúng nó để lại cho cái đống rơm có giấu gạo, nếu nó không cho, lòi gạo ra rồi thì không biết cực hình gì sẽ đến với chị ngay khi đó.
Chị Mười Tâm (Anh hùng LLVT nhân dân) lúc đó là y sĩ - trưởng trạm kể: “Thấy chị Ba nghèo, đông con, anh em chặt bắp chuối, rọc lá chuối, có cọng rau, trái bắp đều đem ra cho chị bán phụ nuôi con, nhưng bán được bao nhiêu là chị mua gạo, mắm gởi vô bấy nhiêu.
Lần đó bán được khá, chị mua gà nấu cháo, còn kèm theo 5 lít rượu giấu dưới đống cỏ của bà con làm cỏ liếp hành, mỗi liếp chị gút ngọn một bụi hành. Thấy dấu hiệu lạ, anh em nghi địch gài mìn, định phăng theo dấu để gỡ mìn, thì ra là cháo gà, rượu đế, anh em biết ngay là của chị Ba Nhung gởi vô.
NGUYỄN HỮU CHÍ