Thứ Hai, 09/03/2015, 12:45 (GMT+7)
.

Chuyện về "Ông Tư Mặt trận"

Ở huyện Chợ Gạo, bây giờ nhắc đến “Ông Tư Mặt trận”, nhiều người lớn tuổi đều nhớ về một thời trong chiến tranh có một ông già đậm người, râu tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu, tánh tình vui vẻ… Ông tên Lê Văn Thận, một trong những vị tiền bối cách mạng của huyện Chợ Gạo.

Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, ông làm nòng cốt trong lực lượng nổi dậy ở xã Mỹ Phong (hồi ấy xã Mỹ Phong thuộc huyện Chợ Gạo).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông phụ trách Thôn bộ Việt Minh, rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Mỹ Phong. Đến phong trào Đồng Khởi năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Chợ Gạo ra đời (tháng 4-1961), ông là thành viên của Mặt trận, đại diện cho tầng lớp tư sản dân tộc.

Với tính cách sống chân thực, mẫu mực, điềm đạm, cởi mở, hài hòa, ông đã gieo vào lòng trong các tầng lớp nhân dân Chợ Gạo tình cảm thương yêu, quý mến lạ thường, bởi ông lúc nào cũng luôn nghĩ đến cách mạng và nhân dân, làm gì đó có lợi cho cách mạng và nhân dân.

Những năm 1962 - 1963, tình hình giải phóng mở rộng vùng, đến với cơ sở nào có điều kiện ông bàn chuyện vận động bà con xây cất trường học cho các em, các cháu. Không có trường thì mượn nhà dân (thời điểm đó huyện có hơn 10 xã có lớp học trong vùng).

Không có giáo viên thì ông đi vận động thầy cô từ nơi này đến nơi khác dạy, dân nuôi. Thầy Hai Trung từ xã Lương Hòa Lạc xuống dạy ở cuối xã Thanh Bình. Hai cô nữ sinh Trần Thị Trí và Trần Thị Tuyết quê ở xã Mỹ Phong, thôi học ở Mỹ Tho, xuống xã Bình Ninh dạy học rồi đi theo kháng chiến. Ông còn vận động xây Nhà bảo sanh ở ấp 6, xã Thanh Bình và ở ấp Phú Khương, xã Phú Kiết.

Đi đến đâu ông cũng bàn chuyện đào kinh, vừa lấy nước phục vụ sản xuất vừa làm hào chống xe lội nước đi càn; bàn chuyện đào hầm chông, công sự, rào xã chiến đấu bảo vệ xóm làng. Đặc biệt, ông là người gần gũi nhất với trẻ con. Thấy ông đi từ xa, đứa nào cũng thi nhau kêu “Ông Tư!”. Ông đến, đứa ôm trước, đứa ôm sau. Ông cười và xoa đầu từng đứa...

Đối với tầng lớp trí thức, thương buôn, các thành phần giai cấp trung nông, phú nông, ông là người có uy tín lớn, vận động được sự ủng hộ to lớn cho kháng chiến. Sống với dân, những người “bạn già”, ông sinh hoạt như là bạn thâm giao.

Chuyện kể hồi đầu năm 1965, tại xã Trung Hòa, một buổi sáng nghe không có động tịnh gì nên ông với ông Bầu Sử, ông Tám Phát ngồi uống trà đàm đạo… võ nghệ. Thế rồi hứng chí, ông với ông Bầu Sử kéo ra sân thử tài. Ông Tám Phát đứng giữa làm trọng tài. Mới xuất có vài chiêu thì lính biệt kích bên ấp Hòa Phú nổ súng, pháo bên tỉnh Long An bắn qua làm rung rinh nhà cửa, 3 ông thầy võ suýt chết.

Đầu tháng 12-1968, một trận càn vào xã Bình Ninh, bị kẻ phản bội chỉ điểm, địch khui hầm bắt ông. Hơn 3 tháng bị giam cầm, địch tra tấn đủ mọi cực hình vẫn không moi được ở ông một tin tức gì. Địch kết tội ông là cộng sản. Ông bảo không phải cộng sản mà là Mặt trận - Mặt trận vận động toàn dân đoàn kết đánh đuổi quân xâm lược, quân bán nước, chừng nào đuổi hết bọn chúng thì thôi.

Một hôm, có thằng điều tra viên đến hỏi vặn vẹo để bắt tội ông, nhưng nó đuối lý. Tức quá, nó nhổ râu ông. Không kềm được nữa, ông đứng dậy, hai tay xoắn lưng quần lên, rồi nhanh như cắt ông đánh có một cái, nó nằm ngay đơ trên nền gạch. Sau đó nó điên tiết còng, trói, đánh ông cho tới chết trong nhà lao. Ông mất vào đêm rằm tháng Giêng năm 1969.

Xin được kể một chút về ông, như đang nhớ về cội nguồn.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.