Chuyện 2 người pháo thủ
Họ là hai anh em con cậu, con cô. Một người là pháo thủ lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, người kia là pháo thủ nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai anh em người ở Hà Nội, người ở Tiền Giang, gặp nhau nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015) nhằm ôn lại ký ức thời chiến tranh.
Vai anh nhưng nhỏ tuổi hơn là Thiếu tá Nguyễn Sĩ Hiệp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh 309F (tiểu đoàn pháo binh đầu tiên của Quân khu 8 trên chiến trường Mặt trận vành đai Bình Đức diệt Mỹ). Vai em là Đại tá Bạch Ngọc Giáp, pháo thủ Điện Biên, nguyên Phó Tham mưu trưởng binh chủng Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Sĩ Hiệp (bên trái) và ông Bạch Ngọc Giáp. |
Lính pháo binh nên chuyện của hai anh em cứ râm ran, xoay quanh những đường đạn chính xác nã vào tận hang ổ của kẻ thù. Ông Bạch Ngọc Giáp là 1 trong 6 chiến sĩ Điện Biên vinh dự được về báo công với Bác Hồ ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đã điềm đạm kể:
“Tôi không thể quên được những ngày kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, sau đó lại kéo pháo vào. Pháo nặng hàng tấn, kéo bằng sức người, cứ 200 - 300 người kéo 1 khẩu pháo, đường núi gồ ghề, khúc khuỷu, dốc cao, vực thẳm. Sở dĩ kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào… là thực hiện theo lời Bác dặn: “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, nên Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.
Những khó khăn, gian nan, vất vả của chúng tôi đã được đền bù xứng đáng: Những đường đạn chính xác của pháo binh đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Cao hứng, giọng của người cán bộ lão thành cách mạng hơn 65 năm tuổi Đảng ngân nga bài hát Hò kéo pháo: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo…”.
Ông Sĩ Hiệp cười vang: “Các chú hồi đó vất vả kéo pháo áp sát vào trận địa, còn chúng tôi thì mang vác pháo trên lưng, len lỏi qua các đồn bót địch với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”. Căn cứ Đồng Tâm là trung tâm quân sự đầu não của Mỹ - ngụy ở Đồng bằng sông Cửu Long, do sư đoàn 9 Mỹ chiếm đóng.
Vì vậy, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã quyết định thành lập Mặt trận vành đai diệt Mỹ Bình Đức và tiểu đoàn pháo binh đầu tiên của quân khu được hình thành nhằm chế ngự sư đoàn 9 Mỹ, không cho chúng có điều kiện, thời cơ bung ra càn quét, đánh phá các căn cứ cách mạng. Tiểu đoàn gồm 1 Đại đội ĐKZ 75mm thường xuyên cơ động trên các trục sông để tiêu diệt các tàu thuyền, chiến hạm của địch.
1 Đại đội cối 120mm lúc đóng ở xã Kim Sơn, Thới Sơn; lúc qua xã Phú Túc (tỉnh Bến Tre), sẵn sàng hợp đồng tác chiến đánh vào căn cứ Đồng Tâm. 1 Đại đội cối 82mm và 1 Trung đội cối 61mm luôn túc trực, luồn lách trong các xã vành đai, liên tục nã những đường đạn chính xác vào trong căn cứ, khiến địch lúc nào cũng ở trong trạng thái bất an, mất ăn mất ngủ, sợ sệt hoang mang.
Chuyện của hai anh em nhà pháo thủ nổ râm ran như tiếng pháo công đồn, làm cho ký ức một thời chiến tranh trở nên sống động. Giọng của người Tiểu đoàn trưởng pháo binh năm xưa càng thêm rổn rảng: “Kể từ khi sư đoàn 9 Mỹ đặt chân tới căn cứ Đồng Tâm, chúng đã không có được một ngày yên ổn. Trận địa pháo cối của ta liên tục di chuyển, áp sát vào căn cứ, từng loạt đạn chính xác đã phá hủy hàng chục khẩu pháo, hàng chục máy bay, hàng ngàn tấn bom đạn, hàng chục ngàn lít xăng dầu của địch và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên xâm lược Mỹ...”.
Bất chợt, giọng của ông Sĩ Hiệp chùng xuống: “Kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 lịch sử, không thể không nhắc đến chiến công của Trung đội nữ pháo cối đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do Nguyễn Thị Bé Sáu chỉ huy, đã luồn lách qua các đồn bót địch, bám trụ trong các khu vườn của dân; pháo, đạn trên đôi vai gầy, chân đất áp sát vào hông căn cứ, từng đường đạn chính xác đã làm cho bọn lính sư đoàn 9 Mỹ thất điên bát đảo.
Không chỉ mưu trí, dũng cảm, kiên cường, Trung đội trưởng Nguyễn Thị Bé Sáu còn xả thân để cứu đàn em nhỏ và đã anh dũng hy sinh. Hành động mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu của Nguyễn Thị Bé Sáu đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ký ức về chiến tranh còn dài, nhưng hai anh em nhà pháo thủ xin tạm ngưng và hẹn ngày tái ngộ.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG