Đất nước và con người qua 40 năm thống nhất và phát triển
TS. TRẦN THẾ NGỌC
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
40 năm, đất nước chuyển mình trải qua 11 kỳ Đại hội Đảng, đề ra nhiều quyết sách quan trọng trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. 40 năm, thực hiện quá trình 30 năm đổi mới, sau 10 năm ổn định
chính trị - xã hội thông qua nền kinh tế tập trung bao cấp, bước đầu đi vào giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, với biện pháp chủ yếu là đẩy mạnh mô hình kinh tế - thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung cho mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, công bằng, ấm no và hạnh phúc.
40 năm - quãng thời gian thăng hoa, phát huy mọi tinh túy trong đời sống cũng như lao động phục vụ nhân dân, cộng đồng và hoài bão của chính bản thân mình. 40 năm, nhìn lại một chặng đường, biết bao điều được - mất, thế hệ mở đầu cuộc hành trình nay tóc đã điểm sương, cũng không thể phủ nhận những thành quả đạt được suốt gần 8 kỳ kế hoạch trung hạn vừa qua mà Đảng ta đã tập trung lãnh đạo. Trong đó yếu tố con người, sức mạnh của nguồn nhân lực và công tác cán bộ được xem là hạt nhân của mọi tiến trình phát triển, giữ vai trò chủ đạo quyết định sự thành bại trong thực hiện đường lối, sách lược của Đảng ta.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển Gò Công. Ảnh: N.C |
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, âu cũng là chuyện phổ biến của các Đảng trên thế giới, nhưng lẽ ra không nên có nếu chúng ta sớm thiết lập những thể chế về kiểm soát quyền lực, xử lý các mặt trái của kinh tế thị trường, hình thành phương thức quản lý minh bạch nguồn ngân sách và công sản.
Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng rất kịp thời trước tình trạng suy thoái nêu trên, nhưng chỉ mới đi vào giải quyết chuỗi hệ lụy những tiêu cực với kết quả quá khiêm tốn. Việc phát động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cần thiết, nhưng các tiêu chuẩn phấn đấu về đạo đức, nhiệm vụ còn quá chung chung; quan điểm Bác Hồ rất cụ thể, nhưng đưa vào sinh hoạt chính trị lại trở thành các vấn đề mang tính nguyên tắc, thậm chí triển khai dưới hình thức phong trào, thiếu sự tiếp nối bền vững, lâu dài.
Chúng ta đang ở năm cuối nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XI của toàn Đảng, đã bắt đầu triển khai Đại hội cấp chi bộ ở cơ sở. Lần đầu tiên chúng ta phác thảo chương trình quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tuy nhiên còn nhiều nội dung trong hệ thống quy chế, quy trình công tác cán bộ liên quan đến việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, quản lý, sử dụng và chính sách cán bộ cần phải bổ sung, suy gẫm để tiếp tục hoàn thiện.
Trên phạm vi tổng thể của nền kinh tế quốc dân, 1 trong 3 giải pháp quan trọng nhất làm động lực cho sự nghiệp đổi mới hiện nay là thúc đẩy nhân tố con người, lực lượng nhân tài được huy động phục vụ cho con đường xây dựng một thế giới hài hòa, dân chủ, tiến bộ và phú cường. Do đó, cần tạo ra một môi trường xã hội để phát huy tài nguyên con người, không chỉ dựa vào thể chế để quản lý, dễ dẫn đến kìm hãm nhân tài.
Mỗi địa phương, kể cả từng ngành đều có chính sách thu hút nhân tài, nhưng kết quả xem chừng không đáng kể, nguyên do chỉ tập trung vào mức lương và hỗ trợ, chưa tạo điều kiện tốt hơn trong môi trường sinh hoạt và cơ chế thăng tiến.
Các nước phương Tây thường áp dụng phương pháp truyền thống, đa dạng, hiệu quả: tăng lương, nghỉ phép có lương, áp dụng chế độ, chính sách đặc biệt đối với người có thu nhập cao như nắm kỹ thuật tiên tiến, trả lương bằng cổ phần, khen thưởng, vinh danh, đề bạt thăng tiến,… Các tập đoàn kinh tế lớn đều lần lượt thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển nhân tài, thu hút chất xám tại chỗ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Ngoài việc đãi ngộ nhân tài, song song với đẩy mạnh cải cách giáo dục và khoa học, cần có chương trình bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng xu thế tri thức nhân loại và kỹ thuật công nghệ tăng tiến như vũ bão hiện nay, không để rơi vào tình trạng trì trệ, nguy cơ tự mãn, sức ỳ về trí tuệ và bẫy thu nhập trung bình trong năng suất lao động xã hội.
Đối với nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và lao động xã hội nước ta đã có chiến lược phát triển và kế hoạch thực hiện, cụ thể từng bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong khối Đảng, chính quyền, nhân sự kỹ thuật chuyên ngành và các thành phần kinh tế, theo các trình tự thủ tục được đúc kết qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Việc đánh giá cán bộ hầu hết được xem xét theo sự quán triệt đường lối, chấp hành chủ trương, chính sách, đạo đức, tác phong, mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, thăm dò mức độ tín nhiệm, kê khai tài sản,… là những căn cứ tất yếu, nhưng cần điều chỉnh các chuẩn mực đánh giá cán bộ một cách khoa học, nghiên cứu tính hiệu quả thực tế của công việc và sự năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, không chỉ quán triệt mà phải có tư duy đổi mới, không chỉ chấp hành mà cần sự tiến công, không chỉ hoàn thành mà phải thể hiện hiệu quả cao.
Quá trình quy hoạch, đề bạt, bố trí cán bộ được tiến hành một cách kiên trì dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, từng bước mở rộng quyền được biết, quyền tham dự, quyền bầu chọn và quyền giám sát của tập thể, quần chúng theo từng loại chức danh có đặc tính và vị trí khác nhau. Bên cạnh đó, xác định mối quan hệ hữu cơ, tất yếu trong việc luân chuyển cán bộ giữa các cấp, giữa khối Đảng, đoàn thể và chính quyền thông qua chế độ bồi dưỡng, đúc kết kinh nghiệm để phát huy năng lực cá nhân.
Một góc Khu Công nghiệp Mỹ Tho. Ảnh: Hồng Thái |
Hoạt động đào tạo đã có cơ chế phân loại, quản lý và thực hiện rất cơ bản, mặc dù chưa chú trọng khai thác tư duy theo năng lực, nâng cao theo trình độ, bồi dưỡng theo sở trường, đây là vấn đề khó, nhưng lại là động lực chính phát huy sức mạnh của nhân tài, của hệ thống cán bộ nói chung. Nên sớm thể chế hóa, thống nhất hóa cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo cơ cấu quy hoạch và theo nhu cầu tự cân đối để tiến bộ; trên cơ sở đó từng bước điều chỉnh quy hoạch cán bộ hợp lý hơn.
Kết quả học tập, tu dưỡng của cán bộ phải được công khai, khen thưởng, đề bạt theo những thang điểm cụ thể, không xem giấy chứng nhận kết quả học tập như đồ trang sức cần có trong lễ hội, mà phải là nền tảng phương pháp tư duy sáng tạo và năng lực cao phục vụ nhân dân; một quá trình học tập không chỉ để có chiếc vé vào cửa, mà là sự nghiệp cả đời người, luôn cập nhật tri thức và khả năng lao động tốt nhất.
Đã có nhiều ý kiến về nội dung đào tạo cán bộ, nhất là phương thức bồi dưỡng cho cán bộ tại chức, phải thống nhất chuẩn tri thức đào tạo một cách kiên quyết, có chế độ ưu tiên trong học phí, nhưng không thể có ưu tiên đo lường kiến thức. Về đối tượng đào tạo, cần có sự chặt chẽ trong phân loại cơ cấu quy hoạch, giữa chính trị và kỹ trị, giữa quản lý và chuyên ngành,… Nhất thiết cán bộ chính trị phải thông suốt những học thuyết, nguyên tắc lãnh đạo chính trị; cán bộ điều hành kinh tế - xã hội phải thông qua trường lớp về quản lý Nhà nước, quản lý hành chính công.
Công tác quản lý cán bộ cần xử lý tốt mối quan hệ giữa quản lý bằng chính sách của Đảng và quản lý theo pháp luật, thông qua việc thường xuyên giám sát và tăng cơ chế quản lý cán bộ. Trước hết, sớm thể chế nguyên tắc tập trung và nguyên tắc dân chủ trong mỗi loại hình đơn vị, trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, vai trò của cá nhân lãnh đạo ở từng vị trí công tác, nhằm tăng cường tính tiến công, chủ động và hạn chế sự trì kéo, bị động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
Ngay cả trong các hội nghị, sinh hoạt Đảng cần nâng chất lượng cung cấp thông tin và nội dung thảo luận, mang tính năng động, sáng tạo, đổi mới, tác động tới tư duy, tránh gây ra đơn điệu cho các thành viên tham dự. Hệ thống tổ chức cấp cơ sở phải gắn các thành viên với hoạt động, công tác thường xuyên, hình thành mối quan hệ hữu cơ gắn sinh hoạt và công việc.
Cán bộ là vấn đề quan trọng của mọi nơi mọi lúc, là nghệ thuật đỉnh cao của mọi loại hình nghệ thuật trong xã hội, là nền tảng và là chủ thể định hướng, dẫn dắt nhân dân xây dựng đất nước đẹp giàu, hùng mạnh, vì vậy cần phải được quan tâm đặc biệt trong việc chuẩn bị và triển khai tổ chức Đại hội Đảng từ cơ sở đến toàn quốc.