Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:48 (GMT+7)
.
Bà Trần Thị Ánh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang:

Xứng đáng với 8 chữ vàng "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"

Hơn 30 năm tham gia công tác phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ và thời bình, bà Trần Thị Ánh (Tư Ánh) sinh năm 1939, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang vẫn nhớ như in những ký ức không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng của bao lớp phụ nữ huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang...
 

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy), 5 chị em trong gia đình bà Trần Thị Ánh sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1958, vừa tròn 19 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ giao liên cho Huyện ủy Cai Lậy và phụ trách công tác phụ nữ, đã vượt qua bao khó khăn bằng sự gan dạ, mưu trí để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 1961, phụ nữ miền Nam dấy lên các phong trào đấu tranh chống Mỹ. Tại tỉnh Bến Tre, “Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng Khởi vào đầu thập kỷ 60 đã mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Thời gian này, phụ nữ miền Nam cũng đã sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua “5 tốt”: Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt; lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh tốt; học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; rèn luyện tư cách đạo đức tốt.

Cũng như các địa phương khác, phụ nữ huyện Cai Lậy đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận và vũ trang để tấn công quân Mỹ - ngụy. Với nhiệm vụ của một cán bộ phụ nữ, bà Tư Ánh móc nối với các cơ sở cách mạng để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và cùng chị em tham gia nhiều cuộc mittinh, biểu tình chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; chống chính sách dồn dân vào khu trù mật, phá ấp chiến lược... của địch.

Bà Tư Ánh kể, thuận lợi lớn nhất của chị em phụ nữ huyện Cai Lậy trong thời gian này là dễ dàng ngụy trang, qua mắt địch khi tham gia công tác. Với chiếc xuồng, cây dầm, chị em đã vượt qua đồn bót địch để tiếp tế lương thực, thuốc men, chuyển nhiều tài liệu quan trọng cho lực lượng cách mạng.

Trong từng cuộc đấu tranh, kết hợp với lực lượng vũ trang, phụ nữ chuẩn bị gậy gộc, dao mác, vót chông, phá lộ chặn đường tiến quân của địch; kéo nhau thành đoàn biểu tình tiến thẳng vào các công sở, đồn bót vừa đấu tranh trực diện, vừa lôi kéo làm tan rã lực lượng kìm kẹp của địch.

Đối với binh lính, chị em lôi kéo chồng, con, em mình bỏ ngũ, hạ súng, bỏ đồn. Khả năng binh vận của chị em đạt hiệu quả rất cao vì đó là tiếng nói từ đáy lòng người mẹ, người vợ. Tiêu biểu trong cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài giai đoạn này ở huyện Cai Lậy là tấm gương hy sinh của chị Thái Thị Kiểu - người con ưu tú của làng Tân Hội, quận Cai Lậy (nay là xã Tân Hội, TX. Cai Lậy).

Ngày 10-6-1961, chị đi đầu trong cuộc biểu tình của hàng ngàn quần chúng ở xã Mỹ Phước Tây, do Tỉnh ủy Mỹ Tho và Huyện ủy Cai Lậy tổ chức, nhằm phá chính sách “khu trù mật” của địch. Đoàn biểu tình bị địch đàn áp dã man, dùng súng bắn thẳng vào đoàn người tay không, chị Thái Thị Kiểu hy sinh.

Trước cái chết oanh liệt của chị, đoàn biểu tình đã xông lên đấu tranh quyết liệt với địch, buộc chúng phải nhượng bộ, đền bù nhân mạng, xử lý tên đã bắn chết người, nhận đơn kiến nghị của nhân dân, chấm dứt việc bắn pháo bừa bãi.

Năm 1961, bà Trần Thị Ánh vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xúc động xen lẫn tự hào, đây là sự động viên tinh thần để bà tiếp tục công tác, chiến đấu. Khi chiến tranh mở rộng, chiến trường đòi hỏi một đội ngũ dân công đông đảo để phục vụ chiến đấu, số đông dân công là phụ nữ, nhất là nữ thanh niên. Bà Trần Thị Ánh và nhiều chị em phụ nữ khác tham gia cấp dưỡng, nuôi quân, tiếp tế đạn dược, lương thực, tải thương, xây dựng công sự chuẩn bị chiến trường...

Sau lễ tuyên hôn đơn sơ tại xã Mỹ Hạnh Đông năm 1963, gác lại hạnh phúc riêng, bà và chồng trở lại đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1964, bà sinh con gái Nguyễn Thị Kim Hương. Con vừa 5 tháng tuổi, bà gửi con cho mẹ ruột và tiếp tục tham gia công tác.

Bà Tư Ánh hồi tưởng: “Ưu điểm nổi bật của chị em phụ nữ là luôn bám sát tiền tuyến, nhanh chóng đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau. Nhiều mẹ tuổi đã cao nhưng khi phục vụ chiến trường vẫn xung phong đi đầu, không nề hà, bớt đi khối lượng công việc”.

Năm 1967, bà Trần Thị Ánh nhận được tin chồng - ông Nguyễn Văn Châu hy sinh trong một trận đánh tại huyện Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho). Gạt nỗi đau riêng, bà vẫn tiếp tục gắn bó với công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Năm 1994, bà Trần Thị Ánh nghỉ hưu sau thời gian công tác tại Hội LHPN tỉnh Tiền Giang.

Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Trần Thị Ánh và chị em phụ nữ huyện Cai Lậy đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của phụ nữ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xứng đáng với 8 chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. 

TRƯỜNG GIANG

.
.
.