Châu Thành: Nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong PTTĐ yêu nước
12 Huân chương Lao động các hạng, 25 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 39 Cờ thi đua của UBND tỉnh, 124 Tập thể Lao động xuất sắc, 26 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 615 Bằng khen của UBND tỉnh, 450 Tập thể Lao động tiên tiến, 7.010 Lao động tiên tiến, 1.485 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đó là những con số minh chứng kết quả qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở huyện Châu Thành.
Phong trào thi đua phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, diễn ra ở mọi ngành, mọi nơi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và đạt kết quả cao, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,94%, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, từ 17,7 triệu đồng/ người/năm (năm 2010) đến năm 2015 là 47,75 triệu đồng/người/năm.
Các chỉ tiêu pháp lệnh của tỉnh giao cho huyện thực hiện đều đạt và vượt, 5 năm liền được UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen và 3 Cờ thi đua xuất sắc, năm 2011 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2006 - 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, với những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hiến đất làm đường, tham gia vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tăng cường an ninh trật tự nông thôn. Các doanh nghiệp tích cực ủng hộ tiền, vật tư, trang thiết bị… để hỗ trợ các xã xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế…
5 năm qua, đã xây dựng mới 263 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 147,4 km, tổng kinh phí 105,52 tỷ đồng; làm mới 21 cây cầu bêtông cốt thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng, 98,84% tuyến giao thông nông thôn được kiên cố hóa; 98% hộ được cung cấp nước hợp vệ sinh, 100% hộ sử dụng điện.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, nâng cao chất lượng các loại hàng nông sản gắn với thị trường tiêu thụ, định hướng phát triển mô hình kinh tế trang trại và theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến; một số vùng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, như Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, HTX Rau an toàn xã Thân Cửu Nghĩa.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự phát triển nhanh. Khu công nghiệp Tân Hương, Cụm công nghiệp Song Thuận tiếp tục phát huy lợi thế, một số ngành nghề hình thành với quy mô ngày càng lớn, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm... tạo việc làm cho 54.500 lao động.
Phát triển các hoạt động dịch vụ ở xã Tân Lý Tây, xã Tân Hương và cặp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Huyện hiện có 4 làng nghề được công nhận, các làng nghề đã tạo việc làm cho 4.317 lao động, hàng năm sản xuất và tiêu thụ 20 triệu sản phẩm.
Phong trào thi đua trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ với mục tiêu tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và lưu thông hàng hóa; kêu gọi xã hội hóa, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút các nguồn lực và tăng đầu tư từ ngân sách cho dự án thương mại - dịch vụ; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đến cuối năm 2014 đạt 5.142 tỷ đồng, đạt 84,06%, tốc độ tăng bình quân hàng năm khu vực III là 15,85% và chiếm 34,86% cơ cấu kinh tế.
Phong trào Đền ơn đáp nghĩa - xóa đói giảm nghèo được các ngành, các cấp và nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp cho quỹ Đền ơn đáp nghĩa 9,4 tỷ đồng, đạt 188,4% kế hoạch. Đã xây dựng và trao tặng 253 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, đạt 139% so kế hoạch, sửa chữa 423 căn, xây dựng mới 878 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện tốt các chính sách, giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống, đã giúp 4.319 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4% (so năm 2010 giảm 4,5%), quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng.
Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, công tác dạy và học trên địa bàn huyện đạt được hiệu quả và có chất lượng. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, được tỉnh công nhận hoàn thành Chương trình Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Các ngành, các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, củng cố mạng lưới khám và chữa bệnh từ huyện đến cơ sở, triển khai thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia. Qua thực hiện các phong trào đều đạt so kế hoạch, chất lượng khám và điều trị có nâng lên, khống chế được các bệnh nguy hiểm. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế cơ sở.
Có thể nói, nội dung thi đua đã được cải tiến, có nhiều đổi mới, có tiêu chí cụ thể được lượng hóa thành điểm thi đua, biện pháp tổ chức khoa học hơn, với hình thức thi đua phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân, tập thể hăng say học tập, lao động sản xuất. Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng những người trực tiếp lao động sản xuất.
Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến rõ nét, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với cơ quan Tuyên giáo và Đài Truyền thanh - Truyền hình trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
NGUYỄN CÔNG THỜI