Thứ Ba, 19/05/2015, 05:47 (GMT+7)
.

"Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác"

Năm 1976, lần đầu tiên từ miền Nam ra thăm lăng Bác, Nhà thơ Viễn Phương đã dâng trào xúc cảm trong bài thơ “Viếng Lăng Bác” như lời bộc bạch chân tình của hàng triệu người con miền Nam đối với Bác.

Ngày nay, hệ thống giao thông đi lại trên toàn quốc thông suốt, người dân trong cả nước có nhiều cơ hội ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác để thỏa lòng mong nhớ và thể hiện lòng kính yêu vô hạn đối với Người.

Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang do bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu, thăm quan di tích Nhà sàn.
Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang do bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu, thăm quan di tích Nhà sàn.

Lăng Bác tọa lạc tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn, có mặt chính nhìn ra Quảng trường Ba Đình lịch sử, là kết quả lao động sáng tạo của các nhà khoa học Nga và Việt Nam để Chủ tịch Hồ Chí Minh an nghỉ vĩnh hằng.

Lăng chính thức được khởi công ngày 2-9-1973 và khánh thành vào ngày 29-8-1975. Toàn bộ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 14 ha, cao 21,6 m gồm 3 lớp. Lớp dưới tạo dáng bậc thềm là lễ đài dành cho Đoàn Chủ tịch trong các cuộc mít tinh. Lớp giữa, phần trung tâm của Lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, cầu thang lên xuống. Lớp trên cùng là mái Lăng hình tam cấp bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Nhìn tổng thể, Lăng có hình hoa sen cách điệu.

Ở phòng thi hài nơi Bác an nghỉ, phía đầu Bác nằm, trên nền tường ốp đá trắng nổi hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Hòm kính có thi hài Bác bên trong đặt trên đài hoa được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Cách bố trí lối đi từ 3 phía giúp mọi người chiêm ngưỡng Bác được lâu hơn, lối đi rộng nên cùng lúc mọi người đều được nhìn thấy Bác. Qua lớp kính trong suốt, trong bộ quần áo ka-ki bạc màu và dưới chân là đôi dép cao su giản dị, Bác nằm trong giấc ngủ bình yên như vừa ngả lưng chợp mắt…

Rời Lăng Bác, khách viếng thăm sẽ đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác (từ ngày 19-12-1954 đến ngày 2-9-1969), được công nhận, xếp hạng là Khu di tích ngày 15-5-1975 và đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích Quốc gia đặc biệt.

Tại Di tích Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969) hiện vẫn còn giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo gần 250 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Các di tích ngoài trời trong Khu di tích như ao cá, vườn cây, đường xoài… chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa, thông điệp sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống…

Để rồi khi rời khỏi Lăng Bác, mỗi người con miền Nam đều có chung cảm xúc như Nhà thơ Viễn Phương đã viết: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt. Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác...” và “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi. Mà sao nghe nhói ở trong tim!”.

PHÙNG LONG

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày/tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ ngày 1-4 đến 31-10): Từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút; mùa lạnh (từ ngày 1-11 đến 31-3 năm sau): Từ 8 giờ đến 11 giờ; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút.
Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào tháng 10 và tháng 11. Ngày 19-5, 2-9 và mùng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

.
.
.