Thứ Năm, 21/05/2015, 08:54 (GMT+7)
.

Cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII 3.854 ý kiến

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng 20-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Đại hội Đảng phải lựa chọn được người thực sự có tài, có đức

Những tháng đầu năm 2015, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân đánh giá cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp.

Việc kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể, tạo thêm niềm tin, phấn khởi trong nhân dân. Nhân dịp này, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chính sách hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Cử tri và nhân dân quan tâm sâu sắc việc triển khai tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương và toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp.

Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quốc hội đã khẩn trương ban hành nhiều đạo luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhằm tiếp tục bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân hoan nghênh việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai đúng kế hoạch.

Kết quả bước đầu cho thấy việc thực hiện chính sách này về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời, đồng thời đã chỉ rõ các trường hợp cụ thể cần tiếp tục quan tâm giải quyết tại mỗi xã, phường. Cử tri và nhân dân hoan nghênh và rất quan tâm theo dõi việc thực hiện các chương trình giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với các bộ, ngành đang triển khai ở các lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của nhân dân và nâng cao tính cạnh tranh môi trường kinh doanh. Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương trong những năm qua đã được đầu tư, cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Tai nạn giao thông đã giảm, nhưng số người chết và bị thương vẫn còn rất lớn, số vụ tai nạn giao thông tại nhiều địa bàn nông thôn đang có xu hướng tăng. Tai nạn lao động nghiêm trọng và hỏa hoạn vẫn xảy ra nhiều. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục.

Nhân dân cũng rất quan tâm, theo dõi tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp

Cử tri và nhân dân đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí quá cao cho phù hợp với tính chất của các vùng, miền, đồng thời tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách cho các vùng đặc thù nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Cử tri và nhân dân phấn khởi với các chính sách, giải pháp quan trọng của Chính phủ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đã đem lại những kết quả thiết thực, qua đó giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của nông dân. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương liên quan có giải pháp kịp thời trước tình trạng nêu trên, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, quy hoạch và xây dựng các công trình thủy lợi.

Tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.

Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất có ý nghĩa để tạo ra sản phẩm sạch và xuất khẩu nông sản, nhưng việc áp dụng còn nhiều khó khăn do người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo; trong khi đó, sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vẫn được tiêu thụ một cách dễ dàng. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ và tiến tới áp dụng phổ biến, rộng rãi quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên phạm vi cả nước.

Cử tri và nhân dân phấn khởi về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục về mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế để ngư dân hiện đại hóa nhanh đội tàu, nâng cao hiệu quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét Điều 60 Luật BHXH

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, về đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội, Cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự nỗ lực của các ngành, các cấp chung tay xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là thấp, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế.

Đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát và điều chỉnh lại chuẩn hộ nghèo sát thực tế hơn; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với thực tế từng vùng, miền, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.

Chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn một số bất cập

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh hiện nay việc thi hành các chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn một số bất cập, nhất là về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và thực hiện các thủ tục hành chính.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013 phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai tại các địa phương, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các khu vực nông thôn, lưu vực sông, một số khu công nghiệp, làng nghề; tình trạng một số doanh nghiệp xử lý nước thải, chất thải, hóa chất chưa đúng quy trình kỹ thuật, chưa thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn chưa nghiêm; một số dự án nhạy cảm liên quan trực tiếp đến môi trường và cuộc sống của người dân được triển khai khi chưa lấy ý kiến rộng rãi và chưa được sự đồng tình của nhân dân; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, mặc dù cách đây một năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Có quá nhiều loại sách tham khảo có nội dung khác nhau

Liên quan đến vấn đề giáo dục, đào tạo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh những tiến bộ và giải pháp đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, còn lo lắng về tính hiệu quả và sự phù hợp thực tế của một số giải pháp như: đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; việc không chấm điểm trong các trường tiểu học và phương án xét tuyển học sinh vào lớp 6.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sơ kết 1 năm thực hiện các giải pháp này để rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời, bảo đảm đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông trong quá trình học tập và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng các giải pháp đổi mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần thực hiện thí điểm trước ở quy mô nhỏ, có đánh giá tác động và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Cùng với đó, cử tri và nhân dân băn khoăn về việc có quá nhiều loại sách tham khảo có nội dung khác nhau được đưa vào nhà trường và lo lắng về tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số trường học.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để quản lý việc phát hành, hướng dẫn sử dụng các sách tham khảo và đánh giá đúng mức tình trạng bạo lực học đường, tăng cường và nâng cao hiệu quả các giải pháp giáo dục về nhân cách và đạo đức học sinh với sự tham gia của toàn xã hội.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị việc bảo đảm chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng cho thấy, về vấn đề y tế, cử tri và nhân dân đánh giá cao một số thành công của ngành Y tế thời gian qua trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và bổ sung đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn, năng lực về công tác tại cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên, bác sỹ tại các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế, bác sỹ; việc cơ sở y tế không niêm yết giá thuốc, giá dịch vụ theo quy định; công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc chữa bệnh chưa được thường xuyên; việc nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn tại một số bệnh viện; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương tiếp tục có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để khắc phục các yếu kém, sai phạm nói trên.

Cử tri và nhân dân phản ánh về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, việc phải chứng minh sự tham gia bảo hiểm y tế của từng thành viên trong hộ gia đình khi các thành viên học tập, lao động, công tác ở những nơi khác nhau là phức tạp.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn riêng về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tuỳ theo mức độ bệnh của người bệnh; điều chỉnh chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với người bệnh là nạn nhân chất độc da cam khi bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế

Liên quan đến vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của tòa án.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng cho rằng việc thực hiện cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh một số bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với cải cách hành chính; tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo; đồng thời mong muốn việc tổ chức thi tuyển cần thực sự khách quan, công khai, minh bạch nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh những ý kiến, kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước tiếp tục giải quyết các kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội trước, như: tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, tạm ngừng hoạt động; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện còn hạn chế; mất an toàn trong xây dựng các công trình giao thông.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.