ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến đóng góp các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về độ tuổi gọi nhập ngũ, theo quy định tại Điều 31 là chưa hoàn toàn phù hợp. Đề nghị cần xem xét bổ sung các quy định chung về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là từ đủ 18 đến 27 tuổi vì những lý do như sau:
Một là, nghĩa vụ quân sự (NVQS) là nghĩa vụ vẻ vang của mọi công dân Việt Nam, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện được tham gia NVQS. Trong thời bình thì mỗi người đủ điều kiện chỉ nhập ngũ 1 lần với thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng, do đó việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến 27 tuổi là phù hợp. Đây là độ tuổi còn trẻ và cũng tạo điều kiện cho công dân phục vụ quân đội, góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Hai là, việc quy định độ tuổi thực hiện NVQS đến 27 tuổi là tạo điều kiện cho tất cả các trường hợp được tạm hoãn thực hiện NVQS khi không còn thuộc trường hợp tạm hoãn thì phải thực hiện NVQS. Quy định như vậy vừa bảo đảm nguyên tắc công bằng, vừa tạo điều kiện cho tất cả những người đã được tạm hoãn theo quy định của luật này, hết lý do tạm hoãn thì phải thực hiện NVQS chứ không chỉ áp dụng riêng đối với trường hợp tạm hoãn do học đại học chính quy như dự thảo luật.
Thứ hai, về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (tại Điểm g, Khoản 1, Điều 42)
Một là, dự thảo luật quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với người đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân của một khóa đào tạo là phù hợp với thực tế ở nước ta hiện nay.
Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành, bậc đại học được đào tạo theo chứng chỉ và có thể người học được kéo dài thời gian hoàn thành chương trình đào tạo 6 - 7 năm hoặc cho phép người học được học song song 2 chương trình trong một khóa đào tạo, như vậy quy định này sẽ tạo điều kiện để một số công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện NVQS.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Giáo dục đại học để bảo đảm sự thống nhất chung, tránh sự chồng chéo về quy định của 2 luật, bảo đảm về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong việc học tập và thi hành NVQS theo quy định của pháp luật.
Hai là, dự thảo luật quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với hệ thống giáo dục đại học là mâu thuẫn với đổi mới giáo dục hiện nay và cũng không đảm bảo bình đẳng, công bằng về quyền có cơ hội học tập của mọi công dân theo quy định của Hiến pháp và thống nhất với Luật Giáo dục, bởi lẽ:
+ Các em học sinh hiện đang học tại các trường trung cấp nghề (bao gồm cả việc vừa học văn hóa, vừa học nghề) có trường hợp đủ 18 tuổi nhưng chưa hoàn thành nội dung học tập năm cuối để thi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trung cấp nghề.
+ Nếu không tạm hoãn việc thi hành NVQS cho các công dân đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ gây khó khăn nhất định cho các trường trong tuyển sinh; đồng thời tạo kẽ hở cho những công dân thi vào các trường đại học tư thục để tránh thi hành NVQS. Điều này chưa phù hợp với phương hướng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật cho các ngành kinh tế, trong khi đó số tốt nghiệp đại học hiện nay quá nhiều và chưa có việc làm.
Mặt khác, số lượng gọi nhập ngũ hàng năm chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng 6%. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung đối tượng được tạm hoãn thi hành NVQS bao gồm các công dân trong độ tuổi hiện học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhưng khi tốt nghiệp xong phải thi hành NVQS nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện NVQS của các công dân. Về vấn đề này, đề nghị nên lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để thuận lợi cho việc chỉnh lý và tiếp thu.
Ba là, xem xét bổ sung vào cuối Điểm g, Khoản 1, Điều 42 cụm từ “của một trình độ đào tạo” để đảm bảo sự chặt chẽ trong quy định của luật. Như vậy nội dung quy định này được thể hiện lại như sau: g) “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”.
ĐĂNG HIẾU (lược ghi)