Thứ Sáu, 29/05/2015, 07:17 (GMT+7)
.

ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang) nêu những vấn đề cụ thể như sau:

 

Vấn đề thứ nhất, về “Văn bản quy phạm pháp luật” được quy định tại Điều 2, đề nghị xem xét đối với nội dung quy định tại 2 khoản của điều này như sau:

Một là, tại Khoản 1 quy định “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Về nội dung quy định này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét:

Thứ nhất, cách diễn đạt của khoản này chưa thực sự ngắn gọn, khoa học. Ví dụ, cụm từ “có hiệu lực bắt buộc chung” có thể dẫn đến cách hiểu là bất cứ quy định nào trong văn bản quy phạm pháp luật cũng bị bắt buộc phải thực hiện, nhưng đối với những chủ thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật thì không bắt buộc thực hiện; hoặc như cụm từ “được áp dụng nhiều lần” cũng không bao quát, vì trong khoa học pháp lý việc áp dụng pháp luật chỉ là một trong những hình thức thực hiện pháp luật, các quy định của pháp luật có thể được thực hiện bằng 4 hình thức là tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.

Thứ hai, quy định do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành, theo nội dung quy định này thì chỉ có cơ quan Nhà nước mới có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng theo quy định của luật này thì các cá nhân có thẩm quyền như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, nội dung quy định tại Khoản 2 “Văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”, như thế là thừa, vì Khoản 1 đã quy định văn bản quy phạm pháp luật phải là văn bản được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này.

Từ những ý kiến trên, đề nghị Điều 2 được thể hiện lại như sau: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước ban hành và phối hợp ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.

Vấn đề thứ hai, về quy định “Đề nghị xây dựng nghị quyết” của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (tại Điều 108)
Tại Khoản 1 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh căn cứ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân để quy định cụ thể các vấn đề được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên hoặc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.

Như vậy, chủ thể đề nghị xây dựng nghị quyết bao gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định về việc thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình (được quy định tại Điều 112) và thẩm định dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân tỉnh trình (được quy định tại Điều 118); và tại Điểm c, Khoản 2, Điều 121 về thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phải có Báo cáo thẩm định, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần rà soát và bổ sung quy định cụ thể đối với các trường hợp các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh đề nghị xây dựng nghị quyết, trình dự thảo nghị quyết thì phải thực hiện như thế nào và hồ sơ cần phải có khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Vấn đề thứ ba, về nội dung quy định “Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật” (tại Điều 149)

Khoản 1 quy định: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước”; và tại Khoản 2 quy định những trường hợp không được quy định hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên, hiệu lực trở về trước hiện tại có nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là hiệu lực trở về trước, thế nào là trường hợp cần thiết là đối với chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Việc quy định trường hợp thật cần thiết như dự thảo luật có nội dung chưa rõ ràng, thiếu tính thuyết phục, còn tùy nghi vì quy định hiệu lực trở về trước là vấn đề rất nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến nguyên tắc pháp chế, công bằng và sự ổn định của hệ thống pháp luật, nhưng cần phải có trong những trường hợp nhất định.

Vì tính nhân đạo của Nhà nước ta, nên không thể cho phép vận dụng tùy tiện nguyên tắc này; do vậy, đề nghị dự án luật cần xác định rõ thế nào là hiệu lực trở về trước, được áp dụng hiệu lực trở về trước trong tình huống cụ thể nào, chủ thể nào có thẩm quyền được quy định hiệu lực trở về trước trong văn bản quy phạm pháp luật.

           ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.