Đề cương tuyên truyền "Tháng Công nhân" năm 2015
Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền "Tháng Công nhân" năm 2015 do Liên đoàn Lao động tỉnh biên soạn.
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Tiền Giang đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm những ngày lịch sử trọng đại của đất nước, đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Tháng Công nhân năm 2015 gắn với 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di chúc của Người là tài sản tinh thần vô giá, chứa đựng lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện tấm lòng cao cả, tình thương yêu của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, không chỉ là lời căn dặn cuối cùng trước lúc Bác đi xa mà còn là văn kiện lịch sử kết tinh tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp; những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được tổ chức Công đoàn (CĐ) tỉnh nhà ghi lòng tạc dạ, hết lòng chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động để góp phần cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) ngày càng vững mạnh.
Trong di sản tư tưởng của Người có thể thấy những giá trị trí tuệ mang tầm cao thời đại: Đặt GCCN không tách rời lực lượng đông đảo những người lao động và tổ chức chính trị - xã hội của GCCN là Công đoàn; tổ chức và hoạt động Công đoàn luôn được gắn với bản chất và vai trò sứ mệnh lịch sử của GCCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo tư tưởng của Người, GCCN lãnh đạo cách mạng thông qua chính đảng của mình đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. GCCN là lực lượng chủ yếu, là nền tảng của cách mạng Việt Nam, xây dựng GCCN lớn mạnh tạo thành lực lượng to lớn, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ về mục đích và tổ chức hoạt động của Công hội: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu cho nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, cho thế giới”.
Có thể nói rằng, trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển của một tổ chức rộng lớn nhất của người lao động, thực hiện chức năng hàng đầu của tổ chức Công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động.
Chính vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng sau này, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến từng bước đi, bước trưởng thành của tổ chức Công đoàn. Người thường xuyên quan tâm đến hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân lao động, dành nhiều thời gian để đi thăm hỏi, nói chuyện, chỉ dẫn về công tác công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường…
Người đã trực tiếp ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của GCCN nói riêng và nhân dân nói chung”. Cùng với việc thực hiện tâm niệm đó trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại Bác căn dặn: “Phải chăm lo cho các tầng lớp nhân dân nhất là nhân dân lao động”. Bởi vì họ “… đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, phải kinh qua nhiều năm chiến tranh” nhưng “rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù và luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Về nhiệm vụ của Công đoàn, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường Cán bộ Công đoàn ngày 19-1-1957, Người nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản là:
1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng chính là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có GCCN thì không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của GCCN, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu; công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ GCCN.
2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.
3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học.
4. Nội bộ Công đoàn phải đoàn kết, nhà máy này phải đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công đoàn miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.
5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiểu tình hình trong nước và ngoài nước… phải giải thích cho họ hiểu, nếu không họ sẽ hoang mang. Do hiểu được tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.
6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu, phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân, phải kiểm tra, làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.
Về cán bộ Công đoàn, Bác căn dặn: “Cán bộ Công đoàn phải hiểu hết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật…”, và trong công tác: “Cán bộ Công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, sau ngày nước nhà thống nhất đến nay, từ cơ chế nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cùng với sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế và quá trình phát triển của tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và tổ chức Công đoàn trong tỉnh ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Toàn tỉnh hiện có 19 Công đoàn cấp trên cơ sở (11 LĐLĐ cấp huyện, 6 CĐ ngành, CĐ Viên chức và CĐ các Khu Công nghiệp), 9 CĐCS trực thuộc; tổng số 1.438 CĐCS, nghiệp đoàn với 109.677 đoàn viên/120.779 CNVCLĐ; so với năm 1976 tăng gấp 11 lần. Đây là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Quán triệt những quan điểm của Đảng về xây dựng GCCN theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu, trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao vai trò sứ mệnh lịch sử của GCCN, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn xác định việc thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ là một trong những chức năng hàng đầu của tổ chức Công đoàn, nhất là trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, để thực hiện tốt chức năng của mình “Giữ gìn quyền lợi cho công nhân” theo lời Bác dạy trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, các cấp Công đoàn đã tích cực vận động CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, đại diện người lao động tham gia xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể và những chính sách khác có liên quan đến lợi ích thiết thân của người lao động.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp,… tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động ở doanh nghiệp; qua đó, đề xuất với chính quyền địa phương có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền tư vấn pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hàng năm, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức và Hội nghị Người lao động với tỷ lệ, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên; bình quân hàng năm có 75% doanh nghiệp, công ty TNHH, công ty cổ phần tổ chức Hội nghị Người lao động, 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức; qua đó, vận động CNVCLĐ phát huy tốt tinh thần làm chủ, tích cực tham gia đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tham gia giải quyết việc làm, chăm lo tốt đời sống của CNVCLĐ.
Với chủ đề “Hướng về cơ sở, chăm lo tốt hơn đời sống của công nhân lao động”, trong “Tháng Công nhân” hàng năm, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vận động các ngành, các cấp cùng người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần như:
Tặng quà cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động; tổ chức khám sức khỏe, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; định kỳ hàng tháng, quý tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người sử dụng lao động và người lao động, kịp thời theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của công nhân lao động để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặt ra, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở các doanh nghiệp.
Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ”. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác bảo hộ lao động được củng cố, tai nạn lao động ngày càng giảm; điều kiện, môi trường làm việc của người lao động được người sử dụng lao động quan tâm hơn.
Thực hiện Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng vận động thành lập 26 khu nhà trọ công nhân tự quản ở các khu, cụm công nghiệp; thiết lập “Đường dây nóng” và mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở để kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình CNLĐ, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham gia giải quyết kịp thời tranh chấp lao động xảy ra giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hạn chế mức thấp nhất ngừng việc xảy ra ở các doanh nghiệp trong tỉnh; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong CNVCLĐ thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để vun đắp thêm lòng yêu nước, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển trong thời kỳ nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội luôn được các cấp Công đoàn quan tâm và đẩy mạnh vận động đông đảo CNVCLĐ tham gia; đây cũng là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện đóng góp cho các cuộc vận động xã hội, từ thiện do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở LĐTB&XH phát động như: Quỹ Tấm lòng vàng, Quỹ Mái ấm Công đoàn, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Nhà Đại đoàn kết, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”…với số tiền trên 15 tỷ đồng.
Riêng năm 2009, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh thành lập Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) - Chi nhánh Mỹ Tho, từ đó đến nay đã trợ vốn cho trên 52.000 lượt CNVCLĐ và nhân dân lao động nghèo vay hơn 310 tỷ đồng; qua đó, đã góp phần giúp cho CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tạo dựng lòng tin khi hướng đến tương lai.
Nhưng quan trọng hơn hết là, từ những việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn này, tổ chức Công đoàn đã nối được “vòng tay lớn” góp phần cùng Đảng và Nhà nước chăm lo cho nhân dân và người lao động, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giúp cho công nhân lao động ổn định cuộc sống, tích cực hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước phát động, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ tư tưởng thể hiện qua các phong trào cách mạng, trong mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn tỉnh nhà nói riêng, luôn gắn liền lợi ích của GCCN với lợi ích của toàn dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí giác ngộ giai cấp, động viên, giáo dục GCCN vượt qua mọi khó khăn thử thách với mục tiêu chung vì độc lập dân tộc, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta.
Chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Tháng Công nhân năm 2015, gắn với kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp Công đoàn trong tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong CNVCLĐ và đoàn viên học tập thấm nhuần, làm theo những lời dạy của Bác. Đây cũng là dịp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh kính dâng lên Bác và báo cáo với Người những việc đã làm được, soi rọi lại những việc chưa làm được nhằm hun đúc ý chí, tinh thần cách mạng của GCCN.
Có thể nói rằng, tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và là tinh hoa của nhân loại, trong đó Di chúc của Người để lại là di sản vô giá, là ngọn đuốc sáng soi đường cho bao thế hệ cách mạng đời sau. Do vậy, thấm nhuần lời dạy của Bác, tổ chức Công đoàn tỉnh nhà luôn tâm nguyện tiếp tục thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người; đó còn là ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, là mệnh lệnh của trái tim cháy bỏng mang dòng máu cách mạng kiên cường của Đảng khi chúng ta hướng về Người và hành động theo gương sáng của Người nhằm chăm lo, xây dựng GCCN và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.