Đến các khu di tích Bác Hồ trên nước bạn Thái Lan và Lào
Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại trên biết bao nẻo đường, ngõ phố của nhiều quốc gia. Điều rất trân trọng là đến nơi nào Bác cũng lưu lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân bản xứ, trong đó có thời gian Bác hoạt động tại Thái Lan và Lào vào năm 1928 và 1929.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savannakhet đến đặt hoa viếng Khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thị xã Kaysone Phomvihan, tỉnh Savannakhet, miền Trung nước Lào. |
NHÀ BÁC HỒ TRÊN ĐẤT THÁI
Cái nắng tháng 4 gay gắt của vùng Đông - Bắc Thái Lan như dịu đi khi chúng tôi đặt chân đến Làng Hữu Nghị Thái - Việt, thuộc bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là chiếc cổng làng mái ngói cong cong với tứ long uốn lượn. Sau cổng làng là khung cảnh làng quê Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc với lũy tre, hàng cau và bờ rào dâm bụt bao bọc quanh những khu vườn cây trái xum xuê.
Bản Mạy được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ XX, do những người Việt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư sang đây lập nghiệp. Hiện có trên 90% hộ dân trong bản là người Việt. Nơi đây, trong khoảng thời gian từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929, Bác Hồ với bí danh Thầu Chín, đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng. Bản Mạy khi ấy còn là một vùng đất hẻo lánh. Bác Hồ đã giúp dân dựng nhà, trồng cây, làm ruộng… Dù thời gian Bác lưu lại ở đây chỉ hơn 1 năm nhưng dấu ấn Bác Hồ tại Na Chook vẫn rất sâu đậm.
Thời gian ở bản Mạy, Bác sống trong gia đình ông Võ Trọng Đài - một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam. Khi xây dựng Làng hữu nghị Thái - Việt vào tháng 1-2004, ngôi nhà này được lấy tên là Nhà Bác Hồ (Ho Chi Minh’s House), hiện được cháu nội của ông Đài cai quản, giữ gìn với nhiều kỷ vật của Bác ở bản Mạy, trong đó có hai cây dừa và cây khế do chính tay Bác trồng.
Làng hữu nghị cũng là nơi sum họp của bà con Việt kiều Nakhon Phanom nói riêng và cả vùng
Đông - Bắc Thái Lan nói chung. Ở đây, vào các dịp lễ, tết là bà con Việt kiều tụ hội quây quần bên nhau thắm tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.
KHUÔN VIÊN TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI SAVANNAKHET
Trong thời gian hoạt động tại vùng Đông - Bắc Thái Lan, Bác Hồ đã từng vượt dòng Mekong sang tỉnh Savannakhet, Lào để hoạt động cách mạng. Ghi lại dấu ấn kỷ niệm đó, nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2013), Bảo tàng Kaysone Phomvihan (CHDCND Lào) đã xây dựng Khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm thị xã Kaysone Phomvihan, tỉnh Savannakhet, miền Trung nước Lào. Công trình gồm phiến đá khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khuôn viên rộng 1.000 m2, với hàng cây xanh, thảm cỏ, hệ thống đèn chiếu sáng và ghế đá.
Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Souphan Keomisay cho rằng, công trình được xây dựng để tưởng niệm thời gian những năm 1928 - 1929 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Lào, nhằm bày tỏ sự kính yêu và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Lào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến không mệt mỏi cả trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp cách mạng Lào.
Nhà Bác Hồ ở bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan luôn là điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình của du khách Việt khi đến Đông - Bắc Thái Lan. |
KHU LƯU NIỆM BÁC HỒ TẠI KHĂM MUỘN
Đó là một khuôn viên rộng lớn nằm bên bờ sông Mekong, thuộc làng Xieng Vang, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, với ngôi nhà lợp ngói đỏ được bao bọc xung quanh bởi vườn hoa, cây cảnh, cây ăn trái xanh tươi. Đây là công trình thứ 2 trong số 3 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào (gồm tại Khăm Muộn, Savannakhet và Thủ đô Viêng Chăn). Công trình được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 15.000 m2, khởi công vào năm 2011 và khánh thành vào năm 2012 với tổng kinh phí trên 28 tỷ kíp (tiền Lào), do Chính phủ và nhân dân 2 nước đóng góp.
Theo Lịch sử của nước Lào, khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cải trang là thợ mộc từ Thái Lan tới Xiềng Vang (phía Nam thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn) để trực tiếp tìm hiểu thực tế tình hình đời sống nhân dân Lào. Bác Hồ đã gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Bác đã phổ biến kinh nghiệm cho bà con về việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và đoàn thể cách mạng tại Lào. Đây là nơi Bác gầy dựng cơ sở cách mạng trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến với Khu lưu niệm Bác Hồ tại Khăm Muộn, người Việt xa quê như trở về quê hương khi gặp chiếc trống đồng, vườn cây, ao cá, mái nhà. Đặc biệt, Khu lưu niệm có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân đến viếng và phòng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về văn hóa Việt; cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình hữu nghị Việt - Lào… Theo Ban Quản lý khu di tích, khách đến viếng khu lưu niệm không chỉ có người Việt mà còn có đông đảo người dân bản xứ, lượng khách đến viếng ngày một đông.
Đến những nơi Bác đã đi qua, nghe kể chuyện, cảm nhận tình cảm của người dân bản xứ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm thía hơn tấm lòng, tình cảm của Bác với các nước bạn anh em và với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
THỦY HÀ