Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII
Ngày 20-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc tại Hội trường Ba Đình. Theo chương trình, kỳ họp này sẽ kéo dài đến hết ngày 26-6-2015.
Tiếp đó Quốc hội họp phiên trù bị. Trong phiên họp này, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. Trên cơ sở đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Đúng 9 giờ chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Dự kiến trong kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật. Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân như: Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật kiểm toán nhà nước, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật ban hành văn bản pháp luật...
Bên cạnh đó, 15 dự án luật cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, trong đó có những dự luật được nhân dân quan tâm như: Bộ luật dân sự sửa đổi, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật phí và lệ phí, Luật trưng cầu dân ý...
Quốc hội cũng thông qua 4 nghị quyết chuyên đề và cho ý kiến đối với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân và nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Về các vấn đề KT-XH, tại kỳ họp Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, tình hình KT-XH năm 2014 có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, năm thứ 3 liên tục xuất siêu; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi.
(Theo chinhphu.vn)