Người giữ Phủ thờ Bác thầm lặng
Trong những năm qua, Phủ thờ Bác tại xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) được trùng tu, nâng cấp ngày một khang trang hơn. Cùng với việc trùng tu, tôn tạo để xứng tầm di tích lịch sử cấp tỉnh, Phủ thờ Bác luôn được chăm sóc, bảo quản, nhang khói mỗi ngày bởi tấm lòng tự nguyện và đôi bàn tay cần mẫn của ông Đinh Văn Trường.
Chăm sóc Phủ thờ Bác Hồ là công việc thường xuyên của ông Trường. |
Khuôn viên phủ thờ với diện tích hơn 500m2, bao gồm các công trình như: Nhà tưởng niệm, nơi trưng bày những những hình ảnh hoạt động của Bác, trước sân được bố trí cây cảnh tạo vẻ trang nghiêm, tôn kính.
Cứ đều đặn các ngày trong tuần, những ai qua lại Phủ thờ Bác đều bắt gặp hình ảnh quen thuộc: một ông lão gần 60 tuổi, thân hình nhỏ nhắn khi thì cuốc đất, làm cỏ, khi thì quét dọn lá cây cho tới việc tưới cây, chăm sóc hoa kiểng, để khuôn viên ngày càng sạch đẹp.
Ngoài nhiệm vụ quét dọn, ông Trường còn thể hiện sự khéo tay của mình thông qua việc tạo dáng cho từng loại cây kiểng trong khuôn viên Phủ thờ. Dưới bàn tay uốn nắn, cắt tỉa của mình, ông Trường đã tạo nên những cây cảnh với những kiểu dáng khác nhau, góp phần tăng thêm sự uy nghiêm, tôn kính nơi Phủ thờ.
Khi hỏi về công việc thầm lặng, đầy ý nghĩa này, ông Trường cười tươi nói: "Được bảo quản, chăm sóc Phủ thờ Bác là niềm vinh hạnh lớn nhất của cuộc đời tôi. Công việc dù có vất vả đến mấy, tôi vẫn không quản ngại, miễn sao làm cho khuôn viên và Phủ thờ Bác mỗi ngày thêm đẹp hơn, để cán bộ và nhân dân đến thăm viếng là tôi thấy vui rồi”.
Ông Trường cũng cho biết thêm, cứ độ khoảng 5 giờ sáng là ông đã đến mở cửa Phủ thờ, rồi bắt đầu quét dọn, chăm sóc cây kiểng, đón các đoàn khách đến tham quan. Buổi chiều, ông thắp hương cho Bác và đợi đến khi nào hương tàn hết rồi mới về nhà.
Một năm khách thường đến tập trung nhiều nhất vào ngày 19-5 và 2-9, những ngày này công việc có phần hơi vất vả. Những ngày khác khi thì các trường học tổ chức về nguồn, kết nạp đoàn cho đoàn viên, khi thì tổ chức giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên... Những lúc có người đến viếng Phủ thờ, ông Trường "kiêm" luôn vai trò người hướng dẫn viên, thuyết minh nội dung từng bức ảnh để người đến đây hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Lật từng trang sổ lưu của từng đoàn đến viếng, ông lại cặm cụi ghi chép, bảo quản, có lẽ với ông Trường đây là một công việc thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ kính yêu - vị cha già của dân tộc. Được làm những việc có ích, được chăm sóc Phủ thờ và hương khói cho Bác, ông Trường thấy lòng mình thanh thản hơn, quên đi mệt mỏi của tuổi già.
Ông Trường cười tươi nói: "Hãnh diện vô cùng, khi ngay trên mảnh đất Tân Hưng này có Phủ thờ Bác Hồ. Không có dịp ra tận Hà Nội, bà con mình đến đây thắp hương cứ tưởng như Bác đang ở đây với bà con mình. Những lúc như vậy tôi thấy vui lắm. Vì vậy, tôi nguyện gắn bó với công việc này đến khi nào không còn sức để làm nữa thì tôi mới nghỉ".
Cuộc trò chuyện dang dở khi có đoàn cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên xã Tân Hưng đến viếng Phủ thờ. Ông Trường lại tất bật đón đoàn và hướng dẫn từng vị trí để họ thắp hương, tham quan... Chúng tôi quan sát thấy ông làm việc một say sưa, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm.
Việc làm của ông Trường tuy có phần âm thầm, lặng lẽ nhưng đó chính là lòng tri ân sâu sắc, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy của các thế hệ người Việt Nam hướng về Bác kính yêu. Để qua đó, đọng lại những ấn tượng sâu sắc cho những ai khi đến thăm viếng Phủ thờ. Từ đó sẽ nguyện khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác, nguyện ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
VĂN MINH