Thứ Sáu, 08/05/2015, 14:12 (GMT+7)
.

Ông Phạm Văn Trọng: Tâm huyết với ngành Tư pháp

Gần 20 năm, sau khi “đi một vòng lớn”, như một cái duyên, ông lại trở về với ngành Tư pháp. Làm việc ở nhiều vị trí, với những nhiệm vụ khác nhau đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm hơn, để khi trở lại với công tác tư pháp, ông có thể đóng góp nhiều công sức cho ngành với nhiệm vụ quan trọng: Chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp của ngành, tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp. Ông là Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang.

DUYÊN NỢ VỚI NGÀNH

Ông Phạm Văn Trọng chia sẻ: “Tôi đến và gắn bó với ngành do một chữ “duyên”. Năm đó, tôi biết đến tên Đại học Pháp lý trong một lần hướng nghiệp của trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đăng ký thi vào Đại học Pháp lý mà chưa biết gì về trường mình sắp học. Đến khi thi đỗ rồi mới biết đó là Đại học Luật (lúc đó ở Hà Nội là Đại học Luật, còn ở TP. Hồ Chí Minh là Đại học Pháp lý). Tôi học và ngày càng yêu thích hơn ngành mình đã chọn”.

Đến năm 1989, cậu sinh viên Đại học Pháp lý ngày nào chính thức bước vào ngành Tư pháp với vị trí Chuyên viên Sở Tư pháp tỉnh. Một thời gian sau, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn. Với cương vị là người “thủ lĩnh thanh niên” của đơn vị, ông dốc hết sức cho công tác, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao để có thể trở thành tấm gương cho các bạn đoàn viên.

Bốn năm sau, ông được điều về làm Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Tiền Giang) và sau đó được phân công ở nhiều vị trí công tác như: Chuyên viên nghiên cứu Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Gạo, Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Gạo.

Năm 2012, ông lại được trở về ngành Tư pháp, với cương vị Giám đốc Sở Tư pháp. Ông Phạm Văn Trọng cho biết: “Ở mỗi vị trí, công việc đều khác nhau nên mỗi khi chuyển về đơn vị mới tôi lại phải nghiên cứu, học hỏi thêm rất nhiều. Vì vậy, có thể nói công tác ở nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ khác nhau đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện tại”.

Trở lại với ngành, ông đã dốc hết sức để quản lý, điều hành công tác tư pháp ngày một tốt hơn. Trong suốt thời gian công tác, ông đã có nhiều sáng kiến, đề tài, giải pháp khả thi mang lại hiệu quả quản lý, điều hành như:

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1509/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức khảo sát, tổng hợp kết quả khảo sát thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để quản lý, khai thác, sử dụng và cung cấp thông tin, dữ liệu (Quyết định 11/2014/QĐ-UBND ngày 26-4-2014 của UBND tỉnh Tiền Giang)...

Kết quả, việc tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành Quyết định là cơ sở cho việc tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với công tác tư pháp, làm cho các hoạt động tư pháp có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo điều kiện phấn đấu đến cuối năm 2015 các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt; việc tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trong năm 2014 được củng cố; Tiền Giang trở thành tỉnh đầu tiên có văn bản của UBND tỉnh dưới dạng VBQPPL góp phần ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng.

Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Văn Trọng đã vinh dự nhận được các phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011); Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (năm 2013); Chiến sĩ thi đua Ngành Tư pháp (năm 2014); nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở.

TÂM HUYẾT VỚI CÔNG TÁC TƯ PHÁP

Theo ông Phạm Văn Trọng thì hiện tại công tác tư pháp ngày càng được đánh giá cao, mọi người ngày càng an tâm và tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của pháp luật. Vì thế, bất kỳ ai theo ngành cũng đều phải luôn học hỏi, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, luôn hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện công việc một cách công tâm, khách quan và có trách nhiệm để không phụ lòng tin của người dân. Do đó, từ lúc trở lại với ngành tư pháp, ông luôn quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC)  của ngành (nhất là với đội ngũ CB cấp huyện và xã).

Cụ thể, trong thời gian qua Sở Tư pháp đã cử trên 70 lượt CBCC tham dự lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp do Bộ Tư pháp và tỉnh tổ chức; đưa đi đào tạo, bồi dưỡng 3 Thạc sĩ; 10 cao cấp, trung cấp chính trị; 14 về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

Hiện tại, điều làm ông trăn trở là: Làm sao để đưa pháp luật đến với từng người dân, dù ở thành thị hay nông thôn. Bởi hiện tại, ý thức chấp hành pháp luật của một số người chưa cao (thường thấy là nhiều người vẫn chưa ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông, trong việc tham gia các cuộc họp ở địa phương...); việc áp dụng pháp luật ở một số vụ việc đôi khi thiếu kịp thời, chính xác, khách quan khiến người dân chưa tin tưởng, chưa thật sự an tâm; nhiều đối tượng (đặc biệt ở vùng nông thôn) chưa có ý thức chấp hành pháp luật, thường đẩy tranh chấp nhỏ thành mâu thuẫn lớn...

Chính vì thế, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cùng ngành Tư pháp quan tâm đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đến với từng người dân; quan tâm đến công tác tổ chức hòa giải, ngăn chặn tranh chấp tại địa bàn dân cư, tránh để tranh chấp nhỏ thành mâu thuẫn lớn; tiếp tục tham mưu, tuyên truyền để những hoạt động liên quan đến pháp luật ngày một hiệu quả...

Ông Phạm Văn Trọng chia sẻ: “Trong thời gian gần đây, chức năng ngành Tư pháp ngày càng tăng, nhiệm vụ của những người làm công tác tư pháp cũng nặng nề hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ, người làm công tác tư pháp phải tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến lề lối làm việc, giải quyết căn bản công tác tư pháp, phải tiếp tục được bồi dưỡng và đưa đi đào tạo chuyên sâu; đội ngũ cán bộ cũng phải có tính tự giác, trung thực, nâng cao tinh thần trách nhiệm... Tôi cũng sẽ cố gắng hết mình, tiếp tục nâng cao năng lực bản thân cũng như tạo điều kiện để tập thể ngành và CB, CC, VC toàn ngành tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực giúp công tác tư pháp ngày càng đạt hiệu quả cao hơn".

MINH CHÂU
 

.
.
.