90 năm-một chặng đường vẻ vang, đầy tự hào của báo chí cách mạng
(Trích Diễn văn của TS. Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam)
Cách nay 90 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công sáng lập và xuất bản Tờ báo Thanh Niên, khai sinh nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cơ quan ngôn luận, tập hợp tiếng dân, ươm mầm tri thức, hình thành nền tư tưởng, chính trị chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khởi xướng công cuộc giải phóng đất nước, tiến tới xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và văn minh.
Ngay những ngày đầu hoạt động, báo chí cách mạng đã tổ chức tuyên truyền, quảng bá, đưa phong trào công nhân từ tự phát đến tự giác, làm cho cuộc cách mạng đi vào bước chuyển mới. Báo chí luôn đồng hành với Đảng và dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, báo chí ở cả 2 miền Nam - Bắc đã cùng quân - dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.
Báo chí cách mạng là đội quân chủ lực động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường,... trở thành nguồn động viên to lớn, hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc, bất chấp gian khổ, hy sinh.
Sau thắng lợi năm 1975, báo chí góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa cả nước đi vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, là vũ khí cách mạng sắc bén trong công tác tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn quân - dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng giành những thắng lợi to lớn hơn. Báo chí luôn phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước và mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.
Ngày nay, Báo chí cách mạng Việt Nam là một hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng, gồm đủ các loại hình: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, báo ảnh, phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Báo chí thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn rộng rãi của nhân dân, góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội.
Phát huy được vai trò thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước những sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nước và trên thế giới; xử lý tốt mối quan hệ giữa tính định hướng chính trị, tư tưởng và việc đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Đặc biệt là thể hiện rõ hơn chức năng giám sát, phản biện, giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định pháp lý và triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội; đồng thời báo chí tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Cùng với việc nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí, báo chí còn giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa, con người mới và tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
Đến nay, báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ, với hơn 830 cơ quan báo in, gồm hơn 1.100 ấn phẩm báo và tạp chí; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 Đài Phát thanh, Truyền hình Trung ương và địa phương. Về nguồn nhân lực, cả nước có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, hơn 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trải qua các cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ của dân tộc, người làm báo cách mạng đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, đó là dẫn dắt tư duy cho cả một cộng đồng dân tộc, mà tư duy là yếu tố quyết định thắng lợi, tồn vong cho mọi hành động. Các nhà báo luôn dấn thân ở khắp chiến trường và hậu phương, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo đã dũng cảm hy sinh khi đang tác nghiệp (trong đó Tiền Giang có 52 Nhà báo liệt sĩ). Chúng ta nghiêng mình trước những nhà báo xem nhẹ cái chết, chấp nhận cái chết để trở thành những cái chết bất tử và trước những cây bút miệt mài trong những góc tối của xã hội để thắp lại ánh sáng niềm tin cho nhân dân.
Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại các điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa, vùng Tây Nam hoặc lăn xả nơi lũ lụt, vùng có dịch, trong cuộc chiến chống tệ nạn, tiêu cực,... để kịp thời đem đến cho công chúng những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự và hơn hết là làm tròn sứ mạng văn dĩ tải đạo của mình. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng cho giới Báo chí Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng rất trăn trở trước thực trạng báo chí hiện nay: Nhiều thông tin theo hướng mở đa chiều, nhưng rất hỗn loạn; bên cạnh báo hình, báo nói, báo viết,... thì rất nhiều trang mạng có những thông tin trái ngược, không xác thực. Người xem chắc hẳn rất ngậm ngùi khi xem những bài báo công kích đối tượng theo quan điểm phiến diện, có thể do đặt hàng hoặc vì mục đích không lành mạnh, dẫn dến tình trạng nhiễu loạn thông tin hơn là thiếu thông tin. Độc giả cũng hụt hẫng trước những hạt sạn trên con đường thênh thang của báo chí. Có những vấn đề vô thường trở thành bất thường; có những vụ việc mà thông tin trở thành “án tử” cho người mắc phải sai lầm, có khi dẫn đến hệ lụy cho cả gia đình, người thân của họ,... thiếu hẳn tính nhân văn cần có của người cầm bút. Do vậy, cần xác định lại những tiêu chuẩn đạo đức trong báo chí.
Cùng với báo chí cả nước, Báo chí cách mạng Tiền Giang cũng không ngừng phát triển. Tháng 4 năm 1930, ngay sau khi được thành lập, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã cho ra mắt tờ báo lấy tên Dân Cày - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Trải qua các giai đoạn cách mạng, từ tờ báo: Dân Cày, Nông Dân, Tiến Lên, Giải Phóng, Tin Tức, Thông tin Mỹ Tho,... đến nay là Báo Ấp Bắc; các thế hệ cán bộ, phóng viên đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu bạn đọc.
Tiếp đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tiền Giang ra đời vào năm 1979. Trong xu thế phát triển chung, Đài đã mở rộng vùng phủ sóng trong cả nước và một số nước trong khu vực; nâng thời lượng phát sóng lên 24/24 giờ/ngày; đưa tín hiệu phát thanh và truyền hình lên vệ tinh VinaSat; mở rộng diện phủ sóng thông qua việc hòa vào các mạng cáp và số...
Đến nay, toàn tỉnh có 1 Cổng Thông tin Điện tử và khoảng 60 trang Thông tin điện tử. Ngoài ra còn hội tụ được các cơ quan báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh thường trú tại tỉnh, làm phong phú thêm vườn hoa báo chí đầy hương sắc của tỉnh. Lực lượng báo chí hùng hậu này đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trong thời kháng chiến cũng như góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, xây dựng con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, với những hoạt động thiết thực, Hội Nhà báo tỉnh đã trở thành mái nhà chung của người làm báo, góp phần nâng cao chất lượng thông tin của báo chí. Sự phát triển của xã hội, trình độ dân trí của công chúng ngày càng được nâng cao, đòi hỏi báo chí phải đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tính văn hóa, và đạo đức nghề nghiệp.
1/ Về nhiệm vụ sắp tới, báo chí phải tiếp tục là đội ngũ tiên phong:
Dẫn dắt tư tưởng tiến bộ cho dân tộc, quảng bá lý luận chính trị; xây dựng nền móng tư duy để phát triển một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Con đường tất yếu để đi đến mục tiêu tốt đẹp đó là phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2/ Báo chí phải làm nhiệm vụ ươm mầm, thúc đẩy hình thành những tầng lớp mới, con người mới XHCN:
Cần phác họa, xây dựng những điển hình con người có kiến thức, tư duy, kỷ luật, tác phong và nhân hậu. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu những trào lưu văn hóa tiến bộ, đấu tranh, phê phán những nền văn hóa ngoại lai, không phù hợp từ bên ngoài và những thói quen lạc hậu trong nước.
Trang bị lý tưởng, ước vọng về một tương lai tươi đẹp, tinh thần phấn đấu, tiến công cho thanh niên nói riêng và mọi thế hệ nói chung. Mang lại niềm tin cho mọi tầng lớp dân cư xây dựng đất nước, xã hội vốn bị xói mòn trước tình trạng quan liêu, tiêu cực hiện nay. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.
3/ Báo chí phải vừa sáng tạo, tự đổi mới, chủ động hội nhập, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
Cần xây dựng một hệ thống, lực lượng báo chí lành mạnh, trong sạch về phẩm chất, vững vàng về nghiệp vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực. Nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ thông tin.
Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
4/ Khắc họa những đặc điểm riêng có của con người và vùng đất Tiền Giang:
Luôn vượt qua mọi gian khó trong công cuộc mở đất, đấu tranh anh dũng trước mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Con người hiếu học, hào sảng, hiếu khách, thông minh, cần cù và sáng tạo. Tiền Giang từng là nơi đặt trung tâm chỉ huy 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; một nơi có phong thổ hiền hòa, sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt.
90 năm, nhìn lại một chặng đường vẻ vang, đầy tự hào của báo chí, chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm trong thời gian tới nên tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm:
1/ Từng bước sắp xếp lại hệ thống báo chí Tiền Giang theo định hướng của Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, được Chính phủ trình tại Hội nghị lần thứ 10 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.
2/ Tập trung thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
3/ Phát huy tốt vai trò báo chí là diễn đàn phản ánh, thảo luận và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các biện pháp giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
4/ Chủ động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lý luận; phản bác những thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta.
5/ Nâng cao chất lượng báo chí theo hướng sáng tạo, hiệu quả, hấp dẫn; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân với bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng của nội dung thông tin. Do đó, các cơ quan báo chí cùng những người làm báo phải nỗ lực đổi mới cả về phương thức quản lý và tác nghiệp: Phấn đấu đi đến tự cân đối, trang trải chi phí; nâng cao đời sống người làm báo, phát triển mạng lưới công nghệ thông tin để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác, nhanh chóng và sinh động.
6/ Nâng cao lý tưởng, đạo đức, tác phong, trình độ người làm báo chuyên nghiệp và cộng tác viên. Những người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài; đi đôi với nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong những người làm báo và toàn xã hội.
7/ Kiện toàn Hội Nhà báo - ngôi nhà chung của giới làm báo - theo hướng thường xuyên phổ biến thông tin, pháp luật và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp.
8/ Tăng cường mối quan hệ phối hợp:
- Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Mối quan hệ chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Sở Thông tin và Truyền thông - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Hội Nhà báo - các cơ quan báo chí.
- Các ngành - địa phương - cơ quan báo chí.
- Hội đoàn - cơ quan báo chí.
- Cây bút chuyên nghiệp - không chuyên, cộng tác viên.
9/ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta biểu thị sự trân trọng trước những thành tích và cống hiến to lớn của sự nghiệp báo chí, cơ quan báo chí và người làm báo; khẳng định vai trò không thể thiếu của hoạt động báo chí trong cả cuộc hành trình của nhân loại. Mong rằng những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng luôn tiếp tục sự nghiệp tải đạo của mình với sức khỏe - hạnh phúc - thành công.
TTN