Thứ Sáu, 05/06/2015, 05:47 (GMT+7)
.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Tiền Giang

Sáng 4-6, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về tình hình tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng.

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và lãnh đạo các sở của tỉnh Tiền Giang.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng tại Tiền Giang.
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng tại Tiền Giang.

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư đã báo cáo với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương các nội dung về chủ trương, cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng tại tỉnh Tiền Giang. Tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận và các chính sách về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, trong đó tập trung thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch gắn với phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng; liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng…

Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng trong thời gian qua đã tránh được phần nào về sự chồng chéo, trùng lắp trong phát triển giữa các địa phương trong vùng, từng bước khai thác được thế mạnh của từng địa phương. Các tỉnh, thành trong vùng cũng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đời sống văn hóa được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững…

Theo ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng như ý kiến lãnh đạo các sở của tỉnh Tiền Giang, kết quả đạt được của việc phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng vẫn còn mang yếu tố tự phát; chưa xây dựng một cơ chế hoạt động thật sự hiệu quả trong thực tiễn về liên kết, phát triển kinh tế vùng; chưa có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho vùng.

Cùng với đó là quy định về tổ chức điều phối ở Trung ương và địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu vai trò của đơn vị chủ trì, đầu mối trong điều hành, điều phối chung nên việc phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng vẫn còn những hạn chế nhất định.

Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả tỉnh Tiền Giang thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, góp phần đưa tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao cũng như tạo động lực chung cho sự phát triển kinh tế vùng và cả nước.

Ông Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, do nằm giữa 2 vùng kinh tế, đó là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long nên Tiền Giang có nhiều yếu tố thuận lợi và rất chủ động trong phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng. Việc phân bổ phát triển kinh tế theo vùng như hiện nay là phù hợp theo lợi thế địa phương; đồng thời việc liên kết vùng phải theo hướng hội nhập và cơ chế thị trường để đạt mục tiêu xây dựng chuỗi sản xuất với chi phí thấp nhất...

Nhìn nhận các mặt hạn chế của việc thực hiện phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chỉ ra, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hạn chế liên kết vùng trước hết là do thiếu khuôn khổ thể chế quản trị cho vùng.

Việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, vùng và các địa phương trong các lĩnh vực ngân sách, đầu tư, liên kết đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời gian qua khá mạnh nhưng thiếu thể chế liên kết với nhau. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thay đổi hoặc đổi mới cách tính bộ tiêu chí đánh giá kinh tế - xã hội ở địa phương cho phù hợp tình hình liên kết kinh tế vùng.

Trong thời gian tới, các địa phương cần góp ý bổ sung nội dung liên kết vùng, các thể chế vùng, chủ thể của liên kết vùng, xây dựng các mô hình liên kết... cho phù hợp với yêu cầu mới, tránh sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành...

HỮU NGHỊ

.
.
.