Thứ Sáu, 19/06/2015, 15:17 (GMT+7)
.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Ngày 16-6, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu đóng góp ý kiến 4 nội dung như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về hình phạt tử hình.

Để thực hiện chủ trương của Đảng về giảm hình phạt tử hình, thể hiện được các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và trong bối cảnh hội nhập quốc tế của nước ta, tôi đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh được sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định được chặt chẽ về điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi, bởi thực tiễn đời sống xã hội hiện nay cho thấy có nhiều đối tượng trên 70 tuổi phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các tội phạm về ma túy, nếu bỏ hình phạt tử hình đối với đối tượng này sẽ chưa phù hợp với yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.

Mặt khác, xét về lý luận và thực tiễn, không có cơ sở để chọn độ tuổi trên 70 hoặc 75 để không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình. Nếu cho rằng quy định này thể hiện chính sách nhân đạo đối với người cao tuổi cũng chưa phù hợp, bởi theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi thì người cao tuổi được quy định trong luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Thứ hai, về việc bổ sung cơ chế quy định chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án. Đề nghị không quy định chế định này, vì không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như dự thảo luật chưa đảm bảo sự thống nhất và tính hợp lý sẽ khó đảm bảo tính công bằng, bởi đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn, đặc biệt khi chuyển phạt tiền thành phạt tù trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng không được quy định theo pháp luật hiện hành hoặc các quy định về thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi hay phân biệt giữa trường hợp này với tội không chấp hành án... cần phải được quy định rõ trong bộ luật này nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ đối với các quy định của pháp luật hiện hành;

Đồng thời, khi áp dụng hình phạt tiền, tòa án phải căn cứ vào tình hình tài sản của người phạm tội, nếu người phạm tội không có khả năng thi hành thì không nên áp dụng quy định này. Do đó, đề nghị xem xét không thực hiện việc bổ sung quy định này vào Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, về việc bổ sung các tội phạm mới, việc hình sự hóa đối với một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định về tội danh mới phải trên cơ sở là hành vi đã có chế tài xử lý (kể cả xử lý hành chính hoặc hình sự) hoặc việc tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành có đặt ra không? Hành vi đó có mang tính phổ biến và cần thiết phải xử lý hình sự hay không?

Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất chung của pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định hiện hành, đề nghị cần xem xét cụ thể việc hình sự hóa ở một số tội danh mới như quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này, cụ thể như: Tội vi phạm quy định về sử dụng điện (Điều 201); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 216); tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 222).

Về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, một trong những trở ngại lớn trong việc giải quyết các vụ án hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân, cơ quan, tổ chức rất hạn chế và việc can thiệp vào hoạt động xét xử được thể hiện ở các hành vi cản trở và can thiệp vào các hoạt động của tòa án.

Hành vi cản trở không chỉ do những người tham gia tố tụng thực hiện nhằm đạt được lợi thế cho mình trong việc giải quyết vụ án, mà ngay cả cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng tham gia, gây khó khăn cho tòa án và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng xét xử của tòa án

. Do vậy, để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, phù hợp với vị trí, vai trò của tòa án là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, cần thiết đề nghị bổ sung thêm “tội không tôn trọng tòa án” theo Điều 404 của dự thảo Bộ luật.

Ngoài ra, đề nghị xem xét bổ sung quy định trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) việc hình sự hóa một số hành vi can thiệp và cản trở hoạt động của tòa án nhằm ngăn chặn, răn đe và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật như:

Hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử; hành vi mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép để ngăn cản người làm chứng hoặc để họ khai báo gian dối; hành vi cố ý tẩu tán, hủy hoại hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự mà tòa án yêu cầu cung cấp hoặc có quyết định thu thập chứng cứ; hành vi cản trở hoạt động định giá tài sản; hành vi cố ý không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc tống đạt các văn bản tố tụng theo yêu cầu của tòa án.

Thứ tư, về chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, thống nhất giữ nguyên như Bộ luật Hình sự hiện hành là không hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không tăng khung hình phạt hình sự.

Thực trạng hiện nay cho thấy, tội phạm thanh, thiếu niên có tăng, tăng tương đối nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là do tác động từ khách quan (như tác động từ lối sống của người lớn, việc quan tâm trong quản lý, giáo dục từ gia đình, do mặt tiêu cực của thực tế đời sống xã hội và một phần là do Nhà nước không có những giải pháp, chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ…), cho nên việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tăng hình phạt hình sự sẽ đẩy các em vào thế cùng là rất nguy hiểm.

Do vậy, giải pháp hữu hiệu hiện nay là cần xem xét tổng thể tất cả các giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất về giáo dục, quản lý để phát triển toàn diện nhằm đấu tranh phòng, chống và làm giảm tội phạm ở độ tuổi thanh, thiếu niên.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.