Thứ Hai, 15/06/2015, 07:29 (GMT+7)
.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán

Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Phát biểu thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang) cho rằng:

Luật Kế toán hiện hành đã bộc lộ những bất cập lớn, do vậy cần thiết phải hoàn thiện nhằm đảm bảo sự thống nhất với hệ thống thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng; đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, nhất là đối với các quy định về kế toán trưởng và chứng chỉ hành nghề kế toán.

Luật Kế toán với các điều, khoản phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quản lý tốt hơn hệ thống tài khoản, cũng như xử lý tốt các vấn đề phát sinh. Đánh giá kết cấu của dự thảo luật là đầy đủ và hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị trong dự thảo luật cần xem xét lại để quy định cho phù hợp đối với các vấn đề sau:

Thứ nhất, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 57 (được sửa đổi, bổ sung trong luật này) quy định điều kiện để công dân Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán là có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật. Quy định như thế là không đảm bảo khả thi trong thẩm định, kiểm tra để xác định “phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết” của người làm kế toán.

Đề nghị trong dự thảo luật cần xem xét, quy định rõ hơn, cụ thể hơn về các tiêu chí làm cơ sở cho việc thực thi quy định này, để việc tuyển chọn người làm kế toán thật sự là những người “trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật” như quy định của luật.

Thứ hai, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 57 (được sửa đổi, bổ sung trong luật này) quy định về tiêu chuẩn đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán cần có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 3 năm trở lên là quá khắt khe, cần xem xét điều chỉnh quy định theo hướng giảm thời gian kinh nghiệm.

Cụ thể, chỉ nên quy định người được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán có trình độ đại học và 1 năm công tác thực tế về tài chính, kế toán hoặc có trình độ cao đẳng, trung học và 3 năm công tác thực tế về tài chính, kế toán; bởi lẽ, thực tế khi tuyển dụng nhân sự cho công việc này tại các tổng công ty thì việc lựa chọn người cho vị trí kế toán trưởng là rất chặt chẽ, cẩn trọng nên không cần quy định như dự thảo luật.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần tuyển sinh viên mới tốt nghiệp vào vị trí này có thể đảm bảo được yêu cầu thực hiện công tác kế toán.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.