Thứ Sáu, 12/06/2015, 10:28 (GMT+7)
.

ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Hoạt động giám sát của QH&HĐND

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến về 3 nội dung sau:

Thứ nhất, về giám sát văn bản quy phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện quyền kiểm soát của cơ quan quyền lực Nhà nước, thông qua đó thể hiện việc kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung, cũng như đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Tuy nhiên, nội dung quy định giám sát văn bản quy phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội như dự thảo luật là chưa được rõ ràng và chưa được quy định tập trung như:

Một, tại Điều 27 (Khoản 1) và Điều 28 (Khoản 1), dự án luật quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước có dấu hiệu trái Hiến pháp, trái luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Với quy định này, đại biểu Quốc hội có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước hay không?

Hai, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 51 về các hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội có quy định: Đại biểu Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật ở địa phương. Như vậy, quy định này không thể hiện rõ đại biểu Quốc hội có quyền giám sát những văn bản quy phạm pháp luật nào, các văn bản được thực hiện ở địa phương do bất cứ cơ quan nào ban hành hay chỉ các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ba, Điều 52 về hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội quy định: Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong đoàn giám sát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh. Với quy định này, đại biểu Quốc hội có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp tỉnh.

Từ những điều luật quy định đã nêu trên, có thể nói, các quy định về thẩm quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội là chưa rõ ràng và thiếu tập trung. Vì tất cả nội dung quy định trong các điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa xác định được hết đại biểu Quốc hội có quyền giám sát những văn bản quy phạm pháp luật nào, như pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đại biểu có quyền giám sát không?

Hơn nữa, việc xác định văn bản quy phạm pháp luật thuộc quyền giám sát của đại biểu Quốc hội lại phải suy luận từ các quy định hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Vì vậy, đề nghị cần xem xét quy định cụ thể tại Điều 51 những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, còn các điều luật khác sẽ quy định dẫn chiếu các điều luật có liên quan trong luật này và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như quy trình, thủ tục giám sát, hình thức xử lý văn bản được giám sát.

Thứ hai, về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 55.

Điều 55 quy định khi nhận được văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét nội dung văn bản đó. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật đó; đồng thời báo cáo, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định của pháp luật.

Nội dung quy định tại điều này là chưa thật phù hợp với Điều 160 về nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội sắp xem xét, thông qua; bởi lẽ, dự án luật chỉ quy định trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đó Điều 160 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nội dung giám sát gồm sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên; sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản; sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản; sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành cùng một cơ quan.

Hơn nữa, quy định nội dung giám sát như Điều 55 của dự án luật là rất hẹp, chỉ là giám sát sự phù hợp về nội dung của văn bản với các văn bản có hiệu lực cao hơn. Nếu vậy, rất có thể các văn bản quy phạm pháp luật có sai phạm về hình thức, về thẩm quyền ban hành hoặc không đảm bảo sự thống nhất với các văn bản có cùng hiệu lực pháp lý sẽ không được giám sát trên thực tế theo đúng quy trình pháp luật quy định, hệ quả tất yếu sẽ có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không hợp pháp sẽ không được xử lý kịp thời, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của hệ thống pháp luật.

Để tránh điều đáng tiếc đó, đề nghị nội dung giám sát được quy định tại Điều 55 phải được thể hiện đúng với Điều 160 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đề nghị thể hiện lại nội dung quy định tại Điều 64 của luật này nhằm đảm bảo sự phù hợp chung như đề nghị vừa nêu trên.

Thứ ba, về xem xét báo cáo được quy định tại Điều 62.

Tại Khoản 1 quy định HĐND xem xét các báo cáo sau đây: Báo cáo công tác 6 tháng, hàng năm của thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Tại Khoản 3 quy định các báo cáo quy định tại Khoản 1 điều này, trừ báo cáo của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND phải được các Ban của HĐND thẩm tra.

Để thống nhất nội dung quy định giữa Khoản 1 và Khoản 3 của điều này, đề nghị bổ sung quy định tại Khoản 1 báo cáo công tác 6 tháng, hàng năm và báo cáo công tác nhiệm kỳ của HĐND và các Ban của HĐND.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.