ĐBQH Trần Văn Tấn:Góp ý dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND
Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý 5 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị nội dung dự án luật cần bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp là phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Mặt khác, trong dự thảo luật lần này không nên quy định chung chung với các cụm từ “đại biểu thích đáng”, “số lượng thích đáng” như quy định tại Khoản 3, Điều 7; Khoản 1, Khoản 2, Điều 9 của luật này nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất khi luật có hiệu lực.
Thứ hai, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử được quy định tại Điều 4, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội - nghề nghiệp vào quy định tại Khoản 8 nhằm thể hiện đầy đủ các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với công tác bầu cử.
Thứ ba, về hội nghị cử tri được quy định tại Điều 54: Việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú của ứng cử viên là một thể thức khá quan trọng trong quá trình hiệp thương, giúp cử tri có được những thông tin đầy đủ về nhân thân, phẩm chất, năng lực của ứng cử viên. Đây là giai đoạn cho phép các cơ quan, tổ chức, nhân dân và người đại diện nhân dân lựa chọn sơ bộ người ra ứng cử trước khi cử tri nơi ứng cử lựa chọn để góp phần nâng cao chất lượng ứng cử viên, chất lượng đại biểu, bảo đảm cơ cấu duy trì sự ổn định chính trị trong cả nước và từng địa phương.
Dự án luật quy định: Hội nghị tiếp xúc cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức theo đơn vị thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú thường xuyên do Ủy ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì. Hội nghị cử tri ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do ban lãnh đạo tổ chức triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì.
Tại các hội nghị vừa nêu, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với ứng cử viên bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị là rất chung, có tổ chức hội nghị và có kết quả biểu quyết theo hướng dẫn là được, chưa có sự ràng buộc nào.
Hơn nữa, mục đích của hội nghị cử tri không chỉ là việc đóng góp ý kiến cho các ứng cử viên để các ứng cử viên tiếp thu, sửa chữa. Đây là hình thức để đo sự tín nhiệm của các ứng cử viên. Do vậy, để minh bạch hóa, luật hóa trong đoạn này, đề nghị dự án luật cần quy định rõ các điều kiện tiến hành hội nghị cử tri, như tỷ lệ cử tri có mặt trên tổng số hộ của thôn, tổ dân phố hoặc cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chẳng hạn phải có ít nhất đại diện 70% số hộ trong thôn, tổ dân phố hoặc 70% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và thống nhất quy định bằng hình thức bỏ phiếu kín để đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên và đảm bảo cho cử tri thể hiện trên phiếu tín nhiệm đúng với ý kiến của họ. Người được tín nhiệm phải đạt từ 50% số phiếu trở lên trên tổng số người tham dự.
Thứ tư, về danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 57; danh sách ứng cử đại biểu HĐND được quy định tại Điều 58; niêm yết danh sách người ứng cử được quy định tại Điều 59; khiếu nại, tố cáo người ứng cử, lập danh sách người ứng cử được quy định tại Điều 61: Tại Khoản 8, Điều 57 và Khoản 2, Điều 58 quy định chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND phải công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Điều 59 quy định: “Chậm nhất 20 ngày trước ngày bầu cử, tổ bầu cử niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND”.
Tại Khoản 2, Điều 61 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngưng việc xem xét giải quyết mọi việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử”. Như vậy, việc khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và lập danh sách người ứng cử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố và 10 ngày kể từ ngày niêm yết.
Như vậy, thời gian quy định như dự thảo luật là quá ngắn, đề nghị quy định thời gian công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ứng cử viên đại biểu HĐND chậm nhất là 30 ngày; niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chậm nhất là 25 ngày để có thêm thời gian cho công dân xem xét thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo người ứng cử, lập danh sách người ứng cử; đồng thời đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử cả nước, Ủy ban bầu cử phải công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.
Thứ năm, về xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được quy định tại Điều 60: Tại Khoản 1 quy định người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, đề nghị bổ sung vào cuối quy định này hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử để bao quát được hết các hành vi vi phạm và thống nhất với quy định tại Khoản 2 về xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)