Ghi nhận qua cuộc Tọa đàm: "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam,..."
Các tham luận được trình bày tại cuộc tọa đàm đã khẳng định báo chí cách mạng là công cụ tuyên truyền sắc bén với năng lực dự báo cao; các nhà báo và cơ quan báo chí đều tích cực ủng hộ các nhân tố mới, tuyên truyền và cổ vũ người dân thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, góp phần rất quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, mở rộng dân chủ, từng bước đưa đất nước đi lên.
Các nhà báo tham dự cuộc tọa đàm. |
Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của báo chí nước nhà và chỉ rõ: Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí, của các nhà báo trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thực tế đã khẳng định, báo chí và những người làm báo ở Tiền Giang trong chặng đường đã qua luôn là lực lượng xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Trong thời chiến cũng như trong thời bình, các nhà báo luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; đặc biệt là trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta, báo chí và những người làm báo đã không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Các cơ quan báo, đài trong tỉnh đều có sự phấn đấu vươn lên, tích cực đổi mới trang thiết bị và công nghệ làm báo hiện đại, thông tin đa dạng, hấp dẫn, sát với thực tế đời sống của người dân; kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cho Đảng.
Nhiều tham luận đi sâu phân tích những việc làm được và chưa làm được, từ đó xác định nhiệm vụ của báo chí trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn hiện nay là tập trung thông tin, tuyên truyền về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vị thế của nước ta trên trường quốc tế; lợi thế và những thách thức của Tiền Giang trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Báo chí và những người làm báo trong tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân lao động, vệ sinh môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Theo Nhà báo Trần Thanh Hải, tiếp tục phát huy truyền thống, phấn đấu học tập và làm báo theo lời dạy của Bác Hồ, các cơ quan báo chí cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà báo đạt tiêu chí vững vàng về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với nghề, có đạo đức nghề nghiệp, vì nhân dân phục vụ.
Nhà báo Tiền Phong bộc bạch: “Bất cứ thế hệ nào, người làm báo chí cách mạng phải chân chính, dũng cảm, ngay thẳng, đương đầu trước mọi thế lực như thế hệ làm báo của bao chiến sĩ bút thép trước chúng ta, phải xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên trên mặt trận tư tưởng văn hóa mà Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã lưu truyền lời dạy cho mọi thế hệ làm báo của chúng ta hôm nay và mai sau”.
Từ truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam qua 90 năm, các tham luận cũng phân tích sâu về bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo, nhất là trách nhiệm xã hội của nhà báo. Để phản ánh một sự kiện, một vấn đề, nhà báo cần chọn lọc thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân; đồng thời học tập phong cách viết báo của Bác Hồ. Khi nói chuyện với các nhà báo trẻ, Bác Hồ dạy: “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời 3 câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.
Ông Nguyễn Chí Định, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Báo chí là kênh thông tin - truyền thông quan trọng, là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm phong phú, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Với chức năng khai sáng - giải trí, báo chí góp phần khai thông các mạch nguồn văn hóa dân tộc với đầy đủ bản sắc các vùng, miền của Tổ quốc hòa nhập vào hệ thống các giá trị văn hóa Việt Nam…”.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, trong thời gian qua báo chí tỉnh nhà đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động, bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề cần quan tâm, kịp thời thông tin, phản ánh, đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Nhiều đề xuất, kiến nghị hợp lý của báo chí và của các tầng lớp nhân dân phản ánh qua báo chí đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc, được dư luận đồng tình.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động của báo chí đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân có nhận thức đúng tình hình, đoàn kết và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta.
Đội ngũ báo chí tỉnh nhà đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, có quan điểm, lập trường của người làm báo cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là có tâm huyết với nghề nghiệp, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhiều nhà báo đã và đang hàng ngày, hàng giờ thâm nhập vào thực tiễn cuộc sống để tác nghiệp, vượt qua khó khăn, thử thách để có những tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, mang đầy hơi thở của cuộc sống…
Điều chúng tôi ghi nhận qua cuộc tọa đàm “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức (ngày 10-6-2015), hầu hết các ý kiến, tham luận khẳng định lý luận và thực tiễn hoạt động báo chí đã chỉ ra rằng, với tư cách là một loại hình hoạt động chính trị - xã hội ra đời do nhu cầu khách quan của xã hội, báo chí không chỉ phản ánh dư luận xã hội một cách khách quan mà còn góp phần hình thành tâm lý, dư luận xã hội.
Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí tiến bộ, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, văn minh cho xã hội, phấn đấu vì đất nước phồn vinh. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí nước ta luôn luôn trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, chức năng của một nền báo chí cách mạng.
LÊ HUỲNH