Thứ Tư, 17/06/2015, 08:57 (GMT+7)
.

Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong DN ngoài Nhà nước

Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong khối Doanh nghiệp tỉnh đã nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chế độ sinh hoạt được duy trì có nền nếp, chất lượng được nâng lên về nội dung lẫn hình thức theo Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X); Hướng dẫn 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TW ngày 1-7-2011 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ngày càng tốt hơn, tạo sự nhất trí, quyết tâm cao trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của chi bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước như: Một ít chi bộ rất lúng túng trong việc xác định nội dung sinh hoạt chi bộ. Không khí sinh hoạt chi bộ đơn điệu, rập khuôn, máy móc, nặng về phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; ít trao đổi, bàn bạc, cho nên không gây được hứng thú, thu hút các đảng viên tham gia thảo luận, góp ý kiến.

Có những nơi bí thư chi bộ “độc diễn” suốt buổi sinh hoạt. Đáng chú ý, có chi bộ tất cả đảng viên đều nhất trí ủy quyền cho bí thư và thư ký “sáng tác” biên bản để đối phó khi bị kiểm tra.... Chất lượng sinh hoạt như vậy dẫn đến vai trò của tổ chức Ðảng chưa được phát huy, chưa thuyết phục được chủ doanh nghiệp về lợi ích của việc cần có tổ chức Đảng…

Thực trạng nêu trên đặt ra cần có những giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đây là vấn đề khó và không thể làm trong một sớm một chiều. Bởi vì tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp không lãnh đạo trực tiếp và toàn diện doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Mối quan hệ giữa đảng viên với chủ doanh nghiệp là quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, ràng buộc bởi những quy chế làm việc do chủ doanh nghiệp đặt ra, tổ chức Đảng chỉ được trao đổi và tham khảo ý kiến…

Để nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, vấn đề đặt ra là nội dung sinh hoạt chi bộ cần phải ngắn gọn, hiệu quả gắn với những hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của doanh nghiệp; cần tổ chức thảo luận làm rõ vai trò của mỗi đảng viên và của tổ chức Đảng trong sự phát triển của đơn vị.

Muốn tổ chức tốt nội dung này thì cần phải đặt ra được một chế độ phối hợp giữa tổ chức Đảng với chủ doanh nghiệp. Cụ thể, trước cuộc họp chi bộ, hai bên cần ngồi lại trao đổi về thực trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; những công việc quan trọng mà doanh nghiệp đang triển khai; doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn, vướng mắc gì; các giải pháp hay phương hướng giải quyết ra sao.

Mỗi tháng nên chọn một chuyên đề như: Vấn đề khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp; chủ đề tình hình thời sự nóng hổi... để tính hấp dẫn tăng lên và lôi cuốn các đảng viên tham gia ý kiến. Bí thư chi bộ đóng vai trò như người gợi mở, dẫn dắt tọa đàm để đảng viên tự nhiên trao đổi, thống nhất cách giải quyết của chi bộ, đó cũng chính là nội dung nghị quyết của chi bộ. Điều quan trọng là hoạt động của chi bộ ở doanh  nghiệp ngoài Nhà nước phải tạo ra uy tín, khả năng thuyết phục, phương pháp thích hợp và sự tinh tế.

Muốn vậy, việc lựa chọn cấp ủy và đặc biệt là lựa chọn bí thư chi bộ trong doanh nghiệp tốt nhất là người đứng đầu doanh nghiệp hoặc trong ban điều hành doanh nghiệp. Bởi nếu có sự đồng nhất giữa cấp ủy với chủ doanh nghiệp hoặc là thành viên trong ban điều hành doanh nghiệp sẽ tạo thuận lợi để tổ chức Đảng hoạt động, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp và các đoàn thể quần chúng có cơ hội phát huy ảnh hưởng của mình với doanh nghiệp.

Kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trước tiên là phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác sinh hoạt chi bộ thông qua tuyên truyền, giáo dục và tổ chức sinh hoạt chi bộ với nội dung phong phú, thiết thực.

Thứ hai là, thực hiện nghiêm túc, nền nếp và đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ bảo đảm phát huy tính dân chủ, nhất là thảo luận để quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ.

Thứ ba là, chi bộ tạo ra uy tín, khả năng thuyết phục, có phương pháp thích hợp, làm cho chủ doanh nghiệp là người nước ngoài không còn có tâm lý “tránh né” các tổ chức chính trị; người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp.

Thứ tư là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên để có đủ khả năng giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh ngay tại cơ sở.

Thứ năm là, Đảng bộ khối Doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, cử đảng ủy viên tham dự sinh hoạt trực tiếp tại chi bộ để kịp thời biểu dương những chi bộ thực hiện tốt, uốn nắn những cơ sở đảng còn hạn chế.

PHẠM DŨNG
(Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp)

.
.
.