Thứ Bảy, 20/06/2015, 05:38 (GMT+7)
.

Nguyễn Văn Nguyễn nhà báo tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang

 Nguyễn Văn Nguyễn sinh ngày 15-3-1910, tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), là con của một thầy giáo dạy chữ Nho kèm chữ Quốc ngữ ở làng. Sau này, trên các văn đàn, ông còn lấy bút danh là Ngũ Yên, chiết tự từ tên và họ Nguyễn của ông.

Cha mất sớm khi ông mới 10 tuổi, nhưng nhờ sự tần tảo của mẹ, ông vẫn đi học và có một nền học vấn hoàn chỉnh. Sau khi đỗ bằng Thành chung tại Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu), ông được cấp học bổng học Trường Sư phạm Sài Gòn. Vốn là một thanh niên trí thức yêu nước, ông tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cụ Phan Bội Châu (năm 1925) và dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh (năm 1926), vì lẽ đó ông bị chính quyền thực dân đuổi học.

Sau đó ông xin làm việc tại Công ty Hỏa xa Đông Dương để vừa kiếm sống, vừa bí mật tìm bắt liên lạc với các chiến sĩ cách mạng. Nhờ sự dìu dắt của một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ông giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và đến năm 1928 ông được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, rồi gia nhập vào tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1930, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động ở Sài Gòn.

Tháng 7-1930, ông bị địch bắt, nhưng không đủ chứng cớ buộc tội nên chúng phải thả sau khi kết án ông 3 tháng tù treo. Tháng 6-1931, ông bị bắt ở tỉnh Trà Vinh. Lần này, địch vừa ra sức mua chuộc, vừa tra tấn dã man hòng khuất phục ông, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng, kiên quyết không đầu hàng địch. Bất lực trước ý chí gang thép của một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, tháng 4-1932 địch đày ông ra Côn Đảo. Tại hòn đảo địa ngục này, ông bị giam ở banh (bagne) 1 hơn 1 năm, rồi ra làm lao động khổ sai ở làng An Hải.

Tuy bị địch khủng bố và đàn áp dã man, nhưng ông vẫn tích cực tham gia hoạt động đấu tranh trong nhà tù do chi bộ Đảng lãnh đạo, như chống khuynh hướng cách mạng quốc gia tư sản của Việt Nam Quốc dân đảng và lôi kéo, cảm hóa những đảng viên chân chính của tổ chức này đi theo con đường cách mạng vô sản; đòi cải thiện chế độ lao tù; viết báo, dạy chữ, soạn kịch và cải lương… góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam cho quần chúng ở trong tù nhằm khơi dậy và động viên họ tham gia hoạt động có ích cho công tác cách mạng.

Tháng 8-1934, ông mãn hạn tù, trở về Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ ông viết nhiều bài báo có giá trị đăng trên các báo: La Lutte (Tranh Đấu), Dân Quyền, Mai, Việt Nam ở Sài Gòn, Đông Phương tạp chí ở Mỹ Tho, trong đó nổi bật nhất là loạt bài phóng sự về Côn đảo đăng liên tục nhiều kỳ trên Báo La Lutte.

Đầu năm 1935, theo chỉ thị của Đảng, ông ứng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam kỳ, nhưng không được chính quyền Pháp chấp nhận. Ngày 1-5-1935, đề phòng ông cổ súy quần chúng đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động, địch lại bắt giam ông mấy ngày rồi thả ra. Đầu năm 1936, ông hăng hái tham gia phong trào Đông Dương Đại hội do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Với danh nghĩa là một nhà báo, ông ra sức tuyên truyền, giáo dục quần chúng lao động và vận động, tranh thủ giới trí thức tham gia hoạt động cách mạng. Ông còn diễn thuyết và viết bài tranh luận với các phần tử Tờ-rốt-xkít nhằm vạch trần bộ mặt khiêu khích, chống phá cách mạng của nhóm này.

Tháng 5-1937, ông đảm nhiệm trọng trách là Thư ký Tòa soạn của Báo L’avant Garde (Tiền Phong). Đây là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương do chính Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo. Ngay sau đó, chính quyền thực dân Pháp tìm mọi cách tấn công vào tờ báo của Đảng, việc đầu tiên là nhắm vào ông. Ngày 19-7-1937, vu cáo cho ông là người lãnh đạo cuộc biểu tình ở quận Càn Long (tỉnh Trà Vinh), địch bắt, tuyên xử ông 2 năm tù giam và 5 năm biệt xứ.

Việc nhà cầm quyền Pháp vô cớ xử tù ông đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở trong và ngoài nước. Tuy vậy, mãi đến đầu năm 1939 ông mới được trả tự do, nhưng chỉ khoảng hơn nửa tháng sau địch lại bắt ông và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cuối năm 1944, địch chuyển ông về giam ở Tà Lài (tỉnh Biên Hòa), vốn là chốn “rừng thiêng nước độc”. Ở trong nhà tù đế quốc, ông vẫn tiếp tục đấu tranh, xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà báo tinh tường với bút lực mạnh mẽ. Mỗi bài báo của ông như những viên đạn nả vào đầu quân xâm lược và tay sai; đồng thời nó như những hồi trống trận thúc giục các tầng lớp nhân dân xông ra trận mạc chống quân thù.

Phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp. Ảnh: Lê Huỳnh
Phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp. Ảnh: Lê Huỳnh

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (ngày 9-3-1945), ông vượt ngục; đến tháng 8-1945 tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Tháng 9-1945, ông được cử làm Xứ ủy viên Nam bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương kiêm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Nam bộ. Ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đơn vị tỉnh Mỹ Tho. Ngay sau đó, ông cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Mỹ Tho ra Hà Nội họp phiên đầu tiên, thảo luận nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước sau khi mới vừa giành lại nền độc lập.

Cuối tháng 1-1946, ông trở về Nam bộ (lúc này đang chiến đấu oanh liệt chống lại sự xâm lược của quân đội Pháp), được Xứ ủy Nam bộ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ, Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy, Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, Chủ bút Báo Cứu Quốc Nam bộ, Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói Nam bộ, Chủ tịch Phân hội Hữu nghị Việt - Xô Nam bộ. Với trách nhiệm của người lãnh đạo, người quản lý một bộ phận quan trọng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và tư tưởng, ông đã đem hết trí tuệ, tài năng và sức lực cống hiến, có nhiều đóng góp quan trọng cho Nam bộ trong một chặng đường lịch sử hào hùng. Có thể nói rằng, ông là nhà chính trị, nhà lý luận, nhà báo, nhà văn đầy tài năng của nhân dân Nam bộ.

Đầu năm 1953, theo sự điều động của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ông lên đường ra chiến khu Việt Bắc để nhận trọng trách mới, nhưng mới đến tỉnh Bình Định ông bị bệnh sốt thương hàn và từ trần vào ngày 25-3-1953, hưởng dương 43 tuổi. Sự ra đi đột ngột của ông là tổn thất lớn lao cho nhân dân ta, làng báo chí cách mạng mất đi một nhà báo tài năng, dũng cảm và kiên trung với lý tưởng cách mạng.

Khi ông qua đời, Báo Nhân dân miền Nam số ra ngày 20-4-1953 đã dành một trang báo đưa tin và tiểu sử, tỏ lòng thương tiếc một tài năng lớn đã mất, trong đó có nhận định: “Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn là một chiến sĩ cốt cán, một nhà viết báo có tài, nhà văn nghệ nhân dân”. Sau khi ông mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (Quyết định này được vào sổ số 1, ngày 1-5-1957).

Ông mất đi nhưng đã để lại cho đời nhiều bài viết có giá trị tư tưởng và văn chương sâu sắc. Các tác phẩm chủ yếu của ông là Án mạng đường Barbier (năm 1939), Lá rụng về cội (năm 1940), Cán bộ cách mạng (năm 1946). Năm 1987, những bài báo có giá trị của ông được tập hợp lại và in thành sách có tên là Tháng tám trời mạnh thu, đến năm 2001 tác phẩm này được tái bản lần thứ hai.

Do có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc và nền văn học, báo chí của nước nhà, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngoài ra, tên tuổi ông còn được đặt tên giải thưởng báo chí ở tỉnh Tiền Giang, tên đường ở phường 8, TP. Mỹ Tho và ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.