Chất vấn sôi nổi&trả lời có trọng tâm những vấn đề cử tri quan tâm
Tại Kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh Khóa VIII (từ ngày 15 đến 17-7), diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, với phần trả lời chất vấn của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)...
Nhìn chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, liên tục, trả lời có trọng tâm, đáp ứng được những vấn đề cử tri quan tâm. Báo Ấp Bắc ghi lại một số nội dung quan trọng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH (CCHC)
Theo xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh liên tục giảm trong những năm gần đây, năm 2014 xếp hạng 52/63 tỉnh, thành trên cả nước. Vấn đề này được đại biểu Phương Châu và nhiều đại biểu chất vấn khá sôi nổi tại phiên chất vấn, đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Chỉ số PCI của tỉnh có những biến động không ổn định, năm 2007 và 2008 đồng xếp hạng 12/63, năm 2009 xếp hạng 9/63, năm 2013 xếp hạng 37/63 và năm 2014 xếp hạng 52/63.
Nguyên nhân cơ bản là do các chỉ số thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực giảm mạnh. Nếu tính chung 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động và thiết chế pháp lý) thì năm 2014 Tiền Giang có đến 7 chỉ số thành phần giảm điểm, chỉ có 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2013. Trong đó, chỉ số cạnh tranh bình đẳng có điểm số thấp nhất (đo lường cảm nhận của DN dân doanh về chính sách của tỉnh trong mối tương quan với DN Nhà nước, DN FDI và DN thân hữu).
Theo đó, cán cân chính sách của tỉnh hiện nghiêng nhiều hơn về phía DN Nhà nước, DN FDI và DN thân hữu. Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương. Sự ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của DN dân doanh, dẫn tới sự mất bình đẳng trong quá trình đầu tư của DN.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân như: DN trên địa bàn tỉnh hiện đang băn khoăn về tính minh bạch trong môi trường đầu tư; một số dịch vụ hỗ trợ cho DN đang thiếu và yếu; một số cơ quan, ban, ngành địa phương chưa có tính năng động, sáng tạo…
Để nhanh chóng khắc phục tình hình bị giảm điểm và tụt hạng, ngày 5-6-2015 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015 - 2016, trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan đến quá trình tìm hiểu thực hiện thủ tục đầu tư của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, UBND tỉnh cũng đã có Công văn 3011/UBND-TH ngày 29-6-2015, giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động như: Hội thảo đánh giá PCI của tỉnh Tiền Giang; tổ chức khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh nhằm thu thập bổ sung đánh giá của DN dựa trên 10 chỉ số thành phần của PCI, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành và thái độ công chức phục vụ DN; hội thảo xây dựng giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho tỉnh.
Dự kiến các hoạt động này sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9-2015. Trên cơ sở kết quả các hoạt động nêu trên, Sở KH&ĐT tổng hợp, đánh giá kết quả và tham mưu UBND tỉnh những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
ĐÃ LẬP XONG ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP (TCCNNN)
Trả lời đại biểu về chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh đã triển khai đến đâu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Cẩn cho biết: Thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 83/KH-UBND ngày 25-4-2014 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT xây dựng Đề án TCCNNN Tiền Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Sở NN&PTNT cũng đã lập xong đề án này.
Theo Đề án, căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh xác định sản phẩm nông, ngư nghiệp trọng tâm để thực hiện, tránh tình trạng phát triển tràn lan, manh mún.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt: Trên cây lúa phân vùng sản xuất theo 2 dòng sản phẩm; hình thành cánh đồng lớn gần 4.000 ha gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trước, trong và sau thu hoạch; cải thiện cơ cấu giống, tăng quy mô sản xuất...
Đối với cây ăn trái, trước mắt tập trung đầu tư cây ăn trái đặc sản vốn đã nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng chiến lược theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao; cải tiến quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP; đầu tư phát triển chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển đàn bò và chim cút; từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao để hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về thủy sản, tập trung đầu tư phát triển tôm và nghêu, xây dựng vùng nuôi nghêu của tỉnh đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC); tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho ngành hàng tôm thông qua xây dựng các mô hình tôm tiên tiến, mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP kết nối với tiêu thụ.
Đề án cũng đã đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện từ đây đến năm 2020. Có thể nói, Đề án TCCNNN của tỉnh là định hướng căn bản để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, góp phần gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
NẾU XỬ LÝ Ô NHIỄM KHÔNG HIỆU QUẢ SẼ YÊU CẦU CÔNG TY GIẢM CÔNG SUẤT
Đại biểu Lê Dũng chất vấn ngành TN&MT: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho ảnh hưởng đến nhiều người dân, đại biểu đã phản ánh qua nhiều kỳ họp HĐND, vì sao đến nay chưa được khắc phục?
Giám đốc Sở TN&MT Trần Xuân Thành cho biết: Nguồn gây ô nhiễm chính tại KCN Mỹ Tho được xác định là từ hoạt động của Chi nhánh Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tại Tiền Giang (sản xuất thức ăn thủy sản) và Công ty TNHH T.C Union Việt Nam (sản xuất bột cá).
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT nhiều lần kiểm tra, giám sát, buộc 2 công ty đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, mùi hôi phát sinh trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, Chi nhánh Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tại Tiền Giang đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý khí thải với công suất 240.000 m3 khí thải/giờ; Công ty T.C Union Việt Nam đã xây dựng hệ thống xử lý khí thải, mùi hôi.
Kết quả phân tích chất lượng khí thải của 2 công ty (trọng tâm là các chỉ tiêu gây mùi) qua 3 lần kiểm tra của Sở TN&MT trong năm 2014 và 2015 đều đạt mức quy định cho phép.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trong quá trình kiểm tra, xử lý chưa có quy chuẩn chuyên ngành về kiểm soát mùi hôi từ hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản nên việc kiểm soát mùi hôi thời gian qua còn nhiều bất cập. Ngoài ra, do quá trình phát triển đô thị nên KCN Mỹ Tho đã nằm hẳn trong nội ô TP. Mỹ Tho với mật độ dân cư đông, mặc dù DN đã có nỗ lực xây dựng các công trình xử lý khí thải, mùi hôi nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến người dân.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các công ty chấp hành nghiêm việc vận hành hệ thống xử lý khí thải đã đầu tư. Trường hợp hệ thống xử lý được đầu tư không hiệu quả, không thể giảm thiểu triệt để mùi hôi phát sinh trong quá trình hoạt động, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan yêu cầu công ty phải giảm công suất sản xuất, nhất là đối với giờ sinh hoạt cao điểm ở khu dân cư.
Về lâu dài, để giải quyết triệt để, UBND tỉnh đã có Công văn 2501/UBND-KTN ngày 3-6-2015, giao Sở TN&MT xây dựng đề án thành lập một khu riêng dành cho các DN sản xuất gây mùi hôi khó khắc phục, sẽ trình duyệt trong năm 2016. Trên cơ sở đề án được phê duyệt sẽ tiến hành di dời các cơ sở sản xuất gây mùi hôi khó khắc phục theo lộ trình đề ra.
HOÀI THU (lược ghi)