Thứ Tư, 01/07/2015, 09:39 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh với chủ trương xây dựng căn cứ cách mạng...

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng phong phú, sôi nổi và có nhiều cống hiến to lớn, trong đó chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng vùng giải phóng tại chỗ là nét nổi bật nhất của đồng chí đối với chiến trường Nam bộ nói chung, tỉnh Mỹ Tho nói riêng.

Thắng lợi của việc xây dựng căn cứ ở Hưng Thạnh và mở Vùng giải phóng “20 tháng 7” ở Mỹ Tho là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong việc vận dụng chủ trương của Trung ương Cục miền Nam và của đồng chí Nguyễn Văn Linh về xây dựng căn cứ cách mạng tại chỗ để lực lượng cách mạng tiến lên giành thắng lợi.

Đầu năm 1960, nhận thức được vai trò của căn cứ địa cách mạng và được các đồng chí Trung ương Cục miền Nam (đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh) gợi ý, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chuyển một phần cơ quan Tỉnh ủy từ căn cứ Long Hưng (huyện Châu Thành) phía Nam lộ 4 đến xây dựng căn cứ Hưng Thạnh (nay là xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước) ở phía Bắc lộ 4. Đây là địa bàn có vị trí quan trọng về mặt quân sự.

Căn cứ Hưng Thạnh dựa vào rừng tràm Đồng Tháp Mười, địa hình sình lầy, rừng cây rậm rạp, địch khó phát hiện và tấn công ta. Ngược lại, đây là nơi thuận lợi cho ta trong chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu; là cửa ngõ đi vào căn cứ Đồng Tháp Mười. Với điều kiện thuận lợi đó, Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự, Ban An ninh, các tổ chức cách mạng đứng chân hoạt động và chỉ đạo đấu tranh những năm đầu chống Mỹ - ngụy.

Được sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Mỹ Tho quán triệt chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng tại chỗ để lãnh đạo quân và dân xây dựng, mở vùng giải phóng, vùng căn cứ vững mạnh về mọi mặt để lực lượng cách mạng tiến lên giành thắng lợi. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng toàn Khu 8, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn Nam bộ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân Mỹ Tho làm nên chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963). Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu sự phát triển mới của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, mở ra khả năng lực lượng vũ trang ta có thể bám trụ chống càn giành thắng lợi. Thắng lợi này cũng mở ra khả năng ta tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của chúng.

Từ chiến thắng Ấp Bắc, “Vùng 20 tháng 7” hình thành đã nối liền Nam lộ 4 và Đồng Tháp Mười - một cục diện mới mở ra cho chiến trường Mỹ Tho nói riêng, Khu 8 nói chung. Điều hết sức có ý nghĩa là trong cuộc tiến công này, ta tạo ra hình thức chiến dịch tiến công tổng hợp để phá ấp chiến lược, mở vùng giải phóng và đánh phá bình định của địch, tấn công 3 mặt chính trị, vũ trang, binh vận; phá ấp chiến lược bằng sức mạnh của 3 thứ quân, 3 mũi, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng. Hình thành 2 hướng:

Hướng chính ta đánh chiếm yếu khu, đồn bót, kéo địch đi giải tỏa để tiêu diệt lớn, tạo thế cho quần chúng nổi dậy đồng loạt ở nhiều xã; hướng phối hợp thì thọc sâu phá ấp chiến lược, thu hút địch để cho hướng chính giành thắng lợi lớn.

Trong đợt mở mảng chuyển vùng “20 tháng 7”, các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, nhất là đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, động viên quân và dân Mỹ Tho tiếp tục làm tốt hơn nữa việc mở rộng và giữ vững vùng giải phóng sẽ sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tại Hà Nội từ ngày 15 - 18-12-1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: TL
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tại Hà Nội từ ngày 15 - 18-12-1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: TL

Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của “Vùng 20 tháng 7” trong 12 năm chống Mỹ quả thực rất kỳ diệu. Sự việc ấy nói lên rất nhiều điều về đường lối, phương châm của Đảng; về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến và kết hợp các lực lượng quân sự, chính trị, kết hợp điểm - diện; về tinh thần đoàn kết quân - dân; về ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân trong vùng.

“Vùng 20 tháng 7” chứng tỏ phương châm “2 chân 3 mũi” phát huy khả năng vô tận và hiệu quả to lớn của việc tổng hợp sức mạnh tấn công tiêu hao, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ cho nhân dân. Trước hết, đó là lực lượng quân sự, trong đó có 3 thứ quân (chủ lực, địa phương, dân quân du kích). Kết hợp với lực lượng quân sự là lực lượng 3 mũi: Đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận và đấu tranh vũ trang; lực lượng của vùng giải phóng, tranh chấp, vùng yếu, thị xã - thị trấn.

Các địa phương tại điểm và diện kết hợp phát động quần chúng nổi dậy phá rã các tổ chức kềm kẹp của địch, ban phá ấp chiến lược, bao vây bức hàng, bức rút đồn bót, xây dựng ấp chiến đấu, giữ vùng mới giải phóng. Ngoài ra, còn có phương châm kết hợp hoạt động thường xuyên với tấn công cao điểm. Hoạt động thường xuyên là nhằm giữ thế phong trào và chuẩn bị lực lượng cho cao điểm sau cao hơn cao điểm trước. Vì cao điểm, mỗi năm toàn khu đều có 1 đến 2 cao điểm (mùa khô và mùa nước), tạo ra sức mạnh tổng hợp trên toàn khu trong một thời gian nhất định để tạo ra thế lực mới trên chiến trường. Ở chiến trường Khu 8, tất cả các cao điểm tấn công và nổi dậy đều giành được thắng lợi.

*  *
*

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn bó máu thịt với Nam bộ trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó chiến trường Khu 8, mà trọng điểm là tỉnh Mỹ Tho được đồng chí rất quan tâm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam khởi xướng, kiến tạo chủ trương xây dựng vùng căn cứ địa cách mạng, xây dựng vùng giải phóng tại chỗ để lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Tất cả những điều trên đây trở thành bối cảnh và điều kiện lịch sử khách quan tạo nên sự gắn bó mật thiết của đồng chí Nguyễn Văn Linh với phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với những công lao to lớn, những dấu ấn lịch sử ấy đã lưu danh đồng chí Nguyễn Văn Linh vào lịch sử dân tộc ta - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà cách mạng chân chính, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.