Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo
Sáng 30-6, tại Thành phố Hưng Yên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Hưng Yên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2015). Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh:TH |
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí và đồng bào,
Trong không khí cả nước thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 và đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hôm nay, tại tỉnh Hưng Yên - quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Linh, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, đang từng ngày đổi mới, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986 - 1991, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình yêu nước, Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã không sợ hy sinh, gian khổ, tích cực, hăng hái hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân.
Năm 1930, Đồng chí bị địch bắt lần đầu. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, Đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác, Đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Đầu năm 1939, Trung ương điều động Đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1941, Đồng chí được Trung ương cử ra Trung Kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, Đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về, Đồng chí tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Trong thời gian này, Đồng chí đã được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách, như: Bí thư Thành ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng, Đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Thưa các đồng chí và đồng bào,
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Nổi bật là:
1- Đồng chí đã trực tiếp cùng đồng bào miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Nam Bộ và dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng, phát triển các cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể cứu quốc, mở rộng mặt trận, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, chiến tranh du kích, chống địch càn quét, củng cố căn cứ địa cách mạng... tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trong những năm 1957 - 1959, cách mạng miền Nam đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách hiểm nghèo. Với Luật 10/59, đế quốc Mỹ và tay sai đã thi hành chính sách đàn áp tàn bạo, các lực lượng cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề. Vào thời điểm gay go, ác liệt này, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trách nhiệm là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trì và cùng các đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam để lại những dấu ấn lịch sử.
Cùng với thắng lợi của phong trào "Đồng khởi", Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo thực hiện chủ trương của Đảng thành lập Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam. Đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đối với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng miền Nam sau Đồng khởi.
Bám trụ ở miền Nam, đương đầu với các chiến lược "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trên các cương vị của mình, Đồng chí đã cùng Đảng bộ miền Nam kiên cường, sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ, vừa chiến đấu, vừa kiên trì xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng ở cả 3 vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn, đô thị bằng 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận; thể hiện năng lực lãnh đạo và tài năng tổ chức chỉ đạo thực tiễn đúng đắn, sáng tạo, từng bước đưa đường lối và quyết tâm của Đảng về cách mạng miền Nam thành hiện thực. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thuộc về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
2- Đồng chí đã cùng với Trung ương có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công cuộc Đổi mới đất nước. Ngay từ khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến khi giữ trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, chủ động, khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, có lúc hiểm nghèo, tiến hành công cuộc đổi mới thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991.
Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo; kiên định về lập trường, nguyên tắc, đồng thời luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo trước những diễn biến mới của thực tiễn. Đồng chí cho rằng, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, phải có tinh thần dũng cảm tự phê bình mạnh mẽ, nắm được các quy luật khách quan, áp dụng phù hợp với điều kiện của đất nước; phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm, chống cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều. Phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, đi sâu đi sát thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm mục đích, biết giải quyết công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của quần chúng nhân dân.
Đảng phải đề ra được đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên. Đồng thời phải làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó; tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm lối thoát, tìm phương hướng tiến lên. Tranh luận và biết chờ đợi, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo, làm sự kiểm chứng, cuối cùng cái đúng được khẳng định, cái sai từng bước được sàng lọc. Đảng ta chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện, nhưng đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp; phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương; không chấp nhận "đa nguyên, đa đảng"; phải kiên quyết chống tệ tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng chí sớm nhìn thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe doạ sự ổn định của xã hội, của chế độ. Bằng một loạt bài viết trong mục "Những việc cần làm ngay", đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đồng chí đã có những phân tích, lý giải rất sắc sảo trên một loạt vấn đề cơ bản như: "Đảng ta là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Trong quá trình đó, có những lúc Đảng ta phạm sai lầm và khuyết điểm lớn, nhưng Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước nhân dân. Sự thừa nhận công khai khuyết điểm không làm Đảng ta yếu đi mà là dấu hiệu của một Đảng mạnh, có đầy đủ tính cách mạng và tiên phong biết tin ở mình và tin ở nhân dân"(1).
Đồng chí nói: "Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng ta... Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân"(2).
Đồng chí khẳng định: "Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng một cách đúng đắn, thích hợp với điều kiện nước ta, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo. Chúng ta phải đấu tranh chống những luận điệu và thủ đoạn đả kích, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ phía những thế lực thù địch, những kẻ cơ hội"(3).
Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Đồng chí chỉ rõ: "Đảng ta coi đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản, phân biệt chính đảng cách mạng chân chính với các đảng phái khác". Phải thực hiện đầy đủ dân chủ trong Đảng đồng thời phải bảo đảm kỷ luật, thống nhất trong Đảng. "Dân chủ không thể có được nếu thiếu tập trung, thiếu kỷ cương, kỷ luật, thiếu trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với pháp chế. Dân chủ thực sự một mặt đối lập với độc đoán, chuyên quyền; mặt khác đối lập với tự do, vô chính phủ.
Cần phải cảnh giác với những thủ đoạn mị dân, lợi dụng ngọn cờ dân chủ để gây rối"(4); "Dân chủ phải đi đúng hướng, dân chủ tập trung chứ không phải dân chủ có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói theo kiểu vô chính phủ. Dân chủ cực đoan, vô chính phủ là điều hết sức tai hại, làm cho xã hội không ổn định. Không ổn định về chính trị và xã hội thì không thể nào đổi mới được kinh tế"(5).
Đồng chí kịch liệt phê phán quan điểm đòi "đa nguyên, đa đảng". Đồng chí nói: "Trong điều kiện nước ta, không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động... hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận"(6).
Trong hoạt động đối ngoại, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trương và trực tiếp tham gia thực hiện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết vấn đề rút quân khỏi Cam-pu-chia, tạo dựng môi trường hòa bình hữu nghị và ổn định trong khu vực, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, nối lại quan hệ với các nước Tây Âu; tạo cơ sở thuận lợi cho việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, phá thế bị bao vây cấm vận, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), Đồng chí đã thay mặt Đảng ta long trọng tuyên bố: "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
3- Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng cho đến khi vĩnh biệt chúng ta, Đồng chí đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản Việt Nam "tận trung với nước, tận hiếu với dân", "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", trung thực, khiêm tốn, giản dị.
Trải qua hai lần bị giam cầm trong ngục tù đế quốc với thời gian 10 năm, dù bị kẻ thù tra tấn dã man, Đồng chí vẫn một mực kiên trung, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ba mươi năm ở trên tuyến đầu ác liệt của hai cuộc kháng chiến cứu nước, phụ trách một địa bàn trọng điểm là sào huyệt đầu não của kẻ thù; mưa bom, bão đạn, gian khổ, thiếu thốn, cũng không lay chuyển được ý chí và quyết tâm giành độc lập, thống nhất Tổ quốc của Đồng chí.
Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong chỉ đạo chiến lược, Đồng chí rất nghiêm túc chấp hành những nguyên tắc của Đảng, đồng thời luôn nhạy bén, điều chỉnh trong chỉ đạo cụ thể để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Một nét đặc sắc trong phong cách lãnh đạo của Đồng chí là bình tĩnh, dân chủ, sâu sát, quyết đoán, giải quyết công việc hợp lý, hợp tình, vừa có lý luận, vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, đường lối đã vạch ra. Ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng chấp hành mọi sự phân công của Đảng.
Suốt cuộc đời mình, Đồng chí Nguyễn Văn Linh hết lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, gắn bó với nhân dân, hiểu dân, tin dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân, biết chắt lọc trí tuệ của nhân dân để đóng góp cho Đảng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Bằng thái độ chân thành, cởi mở, cách ứng xử khiêm tốn, tình nghĩa, trân trọng, lắng nghe ý kiến của các đồng chí khác, cho dù ý kiến đó trái với ý kiến của mình, Đồng chí đã được đồng chí, đồng bào tin yêu, kính trọng.
Thưa các đồng chí và đồng bào,
Sự nghiệp đổi mới mà Đảng và Nhân dân ta đang tiến hành, qua gần 30 năm, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đường lối, chủ trương và biện pháp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế của Đảng đã và đang làm cho đất nước hằng ngày, hằng giờ thay da đổi thịt. Nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ, vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Những thành tựu đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao đang tạo ra tiền đề và những điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế; tình hình thế giới đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đất nước ta đứng trước thời cơ và vận hội mới và cũng đang phải đương đầu với những khó khăn và thách thức to lớn, đòi hỏi Đảng ta và nhân dân ta phải tiếp tục có những nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và có hiệu quả hơn để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của Đồng chí, chúng ta càng trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đồng chí và nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra.
Học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Cương lĩnh, đường lối của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuẩn bị và tiến hành tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc ta - dân tộc Việt Nam anh hùng; thuộc về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; thuộc về các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Xin chúc các vị đại biểu, các đồng chí và đồng bào mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.
* (1) (2) (3)(4) (5) (6) Xem: Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tập III, IV
(*) Đầu đề là của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Theo dangcongsan.vn)