Quyết tâm xứng đáng với những trang sử vàng truyền thống của CAND Tiền Giang
Điểm qua lịch sử chiến đấu, trưởng thành của Công an tỉnh Tiền Giang sẽ thấy rõ là một bộ phận của lịch sử Công an nhân dân Việt Nam - ra đời trong bão táp Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy trình độ nghiệp vụ còn non trẻ, tổ chức bộ máy rất đơn giản, vũ khí còn thô sơ nhưng với tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, ý chí không ngại gian khó, hy sinh, quyết tâm chiến đấu với kẻ địch đến từ nhiều phía, Quốc gia Tự vệ cuộc 2 tỉnh Mỹ Tho - Gò Công (sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang năm 1976) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và bảo vệ nhân dân. Đây là nền tảng vững chắc cho Công an tỉnh Tiền Giang hoàn thiện về tổ chức và nêu cao tinh thần quyết chiến đấu với kẻ thù trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp trao Quyết định luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ. |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau nhiều lần tách, nhập tỉnh Mỹ Tho và Gò Công cho phù hợp với chiến trường và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, lực lượng Công an Mỹ Tho - Gò Công một lòng theo Đảng, đã trấn áp các phần tử phản cách mạng, ra sức bảo vệ chính quyền còn non trẻ, bảo vệ lực lượng cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Trong giai đoạn 1947 - 1951, lực lượng Công an tỉnh Mỹ Tho đã củng cố bộ máy tổ chức, tổ chức diệt ác, phá kềm, chống do thám, gián điệp, luồn sâu vào vùng địch kiểm soát xây dựng cơ sở mật, tiến hành tiêu diệt những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân (1).
Thời kỳ 1952 - 1954, lực lượng Công an được củng cố từ tỉnh xuống huyện, xã; mạng lưới mật hộ viên, cơ sở mật được xây dựng rộng khắp từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát đã giúp lực lượng Công an kịp thời nắm được mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, từ đó đề ra kế hoạch “phòng gian, bảo mật” và xây dựng nội tuyến trong đồn địch, góp phần to lớn vào phong trào trừ gian, diệt tề, bức rút, bức hàng địch, giải phóng vùng nông thôn, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh tỉnh Mỹ Tho đã dũng cảm, mưu trí đương đầu với các thế lực tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy và những âm mưu, chiến lược của địch hòng tiêu diệt cách mạng miền Nam. Trong những năm 1961 - 1965, lực lượng An ninh tỉnh Mỹ Tho phối hợp với các lực lượng khác chống địch càn quét, diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược. Từ năm 1965 trở về sau, Mỹ Tho là địa bàn trọng điểm của ta và địch nên có sự giằng co, căng kéo trong việc thực hiện chiến lược đàn áp phong trào cách mạng của Mỹ - ngụy.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, lực lượng An ninh đã vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi” để tấn công địch trên cả 3 vùng và kết hợp với công tác nghiệp vụ đem đến kết quả cho công tác tấn công phía trước, bảo vệ phía sau, bẻ gãy các trận càn lớn của địch vào căn cứ của ta ở rạch Đập, xã Hưng Thạnh (năm 1968), trận càn vào căn cứ Long Tiên (năm 1971, 1972)…
Từ năm 1968 - 1975, hoạt động của trinh sát vũ trang rất mạnh, đã làm đòn bẫy cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp tân sinh, làm cơ sở cho ta tổ chức diệt ác, phá kềm. Mặt khác, lực lượng An ninh vũ trang đã luồn sâu đánh hiểm trong vùng địch tạm chiếm, đánh địch giữa ban ngày và trong lòng địch, lập nên nhiều chiến công lớn (2), góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc vào ngày 30-4-1975 (3). Ở tuyến đầu chống kẻ thù và bọn tay sai hết sức căng thẳng, ác liệt, chiến đấu thiếu thốn nhiều mặt, thương vong diễn ra hàng giờ, hàng ngày nhưng không đồng chí Công an nào đầu hàng, chiêu hồi địch.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng Công an nhanh chóng triển khai các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ ổn định đời sống kinh tế - xã hội cho nhân dân trong thời kỳ quân quản (4), phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phá vỡ hầu hết các nhen nhóm, tổ chức phản động xảy ra trên địa bàn như: Đảng Hắc Long, Quân lực liên bang Đông Dương, Mặt trận liên bang Đông Dương hay vụ bạo loạn ở Quơn Long xảy ra ngày 26-1-1978...
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, lực lượng Công an mở nhiều đợt tấn công, truy quét, khám phá hàng trăm vụ trộm cướp, lừa đảo, điều tra làm rõ nhiều vụ cướp có vũ khí như: Vụ án Nguyễn Hữu Phước, vụ án Nguyễn Tấn Phát… Trên mặt trận phòng, chống tội phạm kinh tế, lực lượng Công an tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra chủ trương, biện pháp phòng, chống tội phạm, tham nhũng, buôn lậu… và đấu tranh có hiệu quả với loại án trên như vụ án tiêu cực xảy ra ở Công ty Thuốc trừ sâu Tiền Giang, Công ty Chăn nuôi thú y Cai Lậy…
Bước vào thời kỳ đổi mới, xã hội vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để chống phá cách mạng. Mặt khác, do tác động của mặt trái xã hội, tình hình trật tự xã hội cũng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài…
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an từ tỉnh đến cơ sở không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và các ban, ngành, đoàn thể làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kiềm chế gia tăng tội phạm hình sự - kinh tế, tệ nạn xã hội.
Xây dựng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều cách làm mới, sáng tạo, trong đó nhiều mô hình mới ở thành thị lẫn nông thôn (5) hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm có tính chất từ nhỏ lẻ cho đến các loại tội phạm manh động, hung hãn; không để xảy ra tội phạm có tổ chức; các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều được khám phá nhanh, kịp thời củng cố lòng tin của nhân dân.
Phát huy truyền thống Anh hùng của lực lượng Công an tỉnh nhà qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Tiền Giang quyết tâm hoàn thành xuất sắc một số nhiệm vụ sau:
Một là, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho lực lượng Công an là phải ổn định an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả đó mà lực lượng Công an phải thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh Quốc gia trong tình hình mới. Lực lượng Công an phải vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện chủ trương của Đảng, vừa phải nâng cao cảnh giác cách mạng, vừa mưu trí, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ trong công tác và chiến đấu.
Hai là, trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị cần quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh Quốc gia trong tình hình mới”, đặc biệt là gấp rút tham mưu Tỉnh ủy triển khai Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Tập trung công tác nắm tình hình, tổ chức đồng bộ các biện pháp công tác Công an trong phòng ngừa, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nhanh nhạy tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc nổi lên, nhất là các vụ việc phức tạp, tập trung đông người, khiếu kiện, đình công… kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và phát động nhân dân cùng tham gia ổn định an ninh xã hội, an ninh nông thôn, đô thị, an ninh các khu vực nhạy cảm, an ninh nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đập tan ý đồ hành động của địch, không để các thế lực thù địch liên kết bọn phản động hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập.
Ba là, trên mặt trận đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người… Để thực hiện các chủ trương trên đạt hiệu quả, lực lượng Công an cần phải tập trung trí tuệ, sức lực để huy động hệ thống chính trị, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia lên án, tố giác tội phạm, vi phạm.
Vấn đề tội phạm hình sự nguy hiểm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp, vì thế lực lượng Công an phải đề ra những giải pháp phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bám sát Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết 88 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông để tập trung lực lượng, phương tiện ra quân kiểm tra, xử lý, quyết tâm kiềm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); đặc biệt quan trọng là công tác tuyên truyền ý thức, thái độ chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Không để xảy ra tội phạm “kiểu xã hội đen”.
Bốn là, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Toàn lực lượng Công an tỉnh phải thấm nhuần quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng…”, “Công an nhân dân là của dân, do dân và vì dân…”.
Vì thế lực lượng Công an phải chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vận động nhân dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm và đề cao cảnh giác với tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn dân cư và giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá nhanh các vụ án, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ chức quần chúng trong bảo vệ an ninh trật tự trong cơ quan, xí nghiệp và địa bàn dân cư.
Năm là, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Công an về “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”.
Tập trung giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức chính trị, có phẩm chất đạo đức cách mạng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị, công an địa phương theo mô hình tổ chức mới tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ, năng lực công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
N.Q.D
(1) Trong thời gian này ta phá hàng loạt vụ nội gián, phá tan âm mưu lợi dụng tôn giáo, đảng phái của địch như vụ nội gián ở Công binh xưởng Quân khu 8, vụ “Khu quốc gia”, vụ “Ban địa hình”…
(2) Như vụ đánh chi khu Ba Dừa, diệt tên đại diện Ngọc - xã Bình Phú, diệt tên Trưởng chi cảnh sát ngụy Lê Công Phước…
(3) Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, lực lượng An ninh tỉnh Mỹ Tho, Gò Công đã tổ chức phối hợp cùng với bộ đội chủ lực và các lực lượng địa phương đánh 10.519 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 42.645 tên, trong đó có 2 đại tá, 7 trưởng (phó) quận, 130 tên sĩ quan cấp úy, 111 trưởng, (phó) xã, 285 trưởng ấp, 60 phụ trách phân chi khu, cài 340 người vào bộ máy cảnh sát cơ sở ngụy, 1.000 người làm nội tuyến trong lực lượng phòng vệ dân sự của địch, phá 560 ban tề xã, tề ấp, bắn cháy 20 máy bay, bắn chìm 2 tàu sắt và 100 xuồng chiến đấu, tịch thu 14 máy PRC25, vận chuyển trên 30.000 tấn vũ khí phục vụ chiến trường tỉnh, khu, miền và đưa rước trên 3.000 lượt cán bộ lãnh đạo đi lại hoạt động an toàn.
(4) như cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, tàn quân, trấn áp tổ chức phản cách mạng…
(5) như “Cổng rào an ninh trật tự”, “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm”, “Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà”… và đang nghiên cứu thực hiện mô hình “Tổ Liên gia tự quản về ANTT”...