Thứ Ba, 11/08/2015, 05:52 (GMT+7)
.

Đảng bộ huyện Cái Bè Khóa X: Những dấu ấn đáng ghi nhận

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khóa X, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt, là cơ sở quan trọng cho bước phát triển kế tiếp của huyện trong tương lai.

Bưởi long Cổ Cò - một trong những trái cây đặc sản huyện Cái Bè. Ảnh: Hữu Chí
Bưởi long Cổ Cò - một trong những trái cây đặc sản huyện Cái Bè. Ảnh: Hữu Chí

Huyện Cái Bè những ngày này tràn ngập không khí rộn ràng, phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiều sắc màu của cờ, băng rôn và biểu ngữ. Mặc dù bận rộn chuẩn bị cho Đại hội (chính thức khai mạc ngày 11-8), nhưng Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cái Bè Phạm Minh Trí vẫn dành cho phóng viên Báo Ấp Bắc cuộc trao đổi về những kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ qua.

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 11,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người 37,6 triệu đồng, tăng gấp 2,19 lần so với năm 2010, vượt 32,4% chỉ tiêu Nghị quyết (NQ).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (thương mại - dịch vụ). Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn xã hội trong 5 năm là 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với giai đoạn 2005 - 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,1%. Tỷ trọng khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) chiếm 50,59%, khu vực II chiếm 24,37%, khu vực III chiếm 25,04%...

Thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã khẳng định hướng đi đúng đắn của huyện. Với truyền thống đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế và quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Khóa X và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để lãnh đạo thực hiện đạt được kết quả khá toàn diện.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, BCH  Đảng bộ huyện đã xác định 3 hướng chủ yếu, phân định 3 tiểu vùng để tập trung quy hoạch và bố trí nguồn lực đầu tư phát triển; vai trò, chức năng của từng vùng được phát huy tương đối đầy đủ.

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước... vừa  tạo sự kết nối sâu rộng, vừa tạo điều kiện phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Lợi thế về cây ăn trái, thủy sản ở vùng 1 và vùng 2; cây lúa ở vùng 3 tiếp tục được đầu tư, phát huy tốt hiệu quả.

Thời gian qua, huyện đã quy hoạch, xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên.

Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định năm 2010) đến năm 2015 ước đạt 7.806 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,4%/năm, trong đó ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản tăng 4,1%, 7,6% và 7,4%; doanh thu từ đất sản xuất nông nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 228 triệu đồng/ha/năm.

Xoài cát Hòa Lộc là một trong những trái cây đặc sản của huyện Bái Bè.                                                            Ảnh: TUẤN LÂM
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những trái cây đặc sản của huyện Bái Bè. Ảnh: Tuấn Lâm

Trên địa bàn huyện đã phân chia các tiểu vùng kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương theo định hướng chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đó là phát triển vườn cây ăn trái ở Nam Quốc lộ 1 và cánh đồng lớn, chất lượng cao ở phía Bắc Quốc lộ 1.

Tổng diện tích vườn chuyên canh trái cây đặc sản là 16.800 ha, trong đó có 79% vườn chuyên canh cam sành, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò… với sản lượng đến năm 2015 đạt 305.000 tấn, tăng 59.000 tấn so với năm 2010.

Diện tích trồng lúa của huyện duy trì 17.500 ha, năng suất bình quân 6,4 tấn/ha, sản lượng hàng năm 336.000 tấn (tăng 36.000 tấn so với năm 2010), trong đó tập trung đầu tư xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 1.265 ha, vượt 265 ha so chỉ tiêu NQ.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu đạt từ 96 - 100%; sử dụng giống nguyên chủng, giống xác nhận đạt 67% diện tích gieo trồng và diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao được mở rộng. Giá trị sản xuất được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 48,2 triệu đồng/ha, trong đó thu nhập trên 50 triệu đồng đạt 8.460 ha, tăng gấp 1,7 lần so năm 2010.

Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản là 1.680 ha, sản lượng thu hoạch 35.200 tấn, tăng khoảng 4.500 tấn so năm 2010. Đến nay, đã triển khai vùng nuôi cá tra 150 ha phục vụ xuất khẩu; đưa vào sử dụng hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản xã Hậu Mỹ Bắc A và mô hình nuôi lồng bè trên sông tiếp tục phát triển.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến mới cả về lượng và chất. Cơ cấu ngành và sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa dạng hơn. Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định năm 2010) đến năm 2015 ước đạt 5.330 tỷ đồng (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010), tăng trưởng bình quân 17,9%/năm và đạt 100% so với chỉ tiêu NQ, là nền tảng để phát triển nhanh khu vực II và III.

Các cụm, tuyến công nghiệp An Thạnh, Bà Đắc, Mỹ Thuận, kinh 28, kinh 8 phát huy tốt hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và Cụm công nghiệp An Thạnh II đang được đầu tư xây dựng.

Các ngành công nghiệp có lợi thế của huyện như xay xát, lau bóng gạo, cơ khí nông nghiệp được tập trung củng cố, phát triển. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được quan tâm đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng và khách du lịch tham quan, mua sắm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn.

Hoạt động thương mại - dịch vụ có nhiều khởi sắc, từng bước trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Khóa X đã xác định.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa (theo giá cố định năm 2010), đến năm 2015 ước đạt 7.398 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so năm 2010 (đạt 121% chỉ tiêu NQ). Hệ thống chợ được tổ chức sắp xếp, khai thác hiệu quả, đã đưa vào sử dụng chợ nông sản Thiên Hộ và các chợ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Các loại hình dịch vụ viễn thông, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, y tế... được đầu tư hiện đại hóa, chất lượng phục vụ được cải tiến.

Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, đã tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về tiêu thụ ở địa bàn nông thôn được nhân dân đón nhận. Công tác quản lý thị trường được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.

Đặc biệt, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng (giá cố định năm 2010) là 756 tỷ đồng. Lĩnh vực giao thông được đầu tư trên 315 tỷ đồng (không tính vốn Trung ương) và vận động người dân hiến trên 1 triệu m2 đất.

Các công trình trọng điểm được xác định trong NQ được tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng như: Đường ven sông Tiền, đường tỉnh 861, đường giữa huyện, đường huyện 74; xây dựng mới được 65 cầu, 245 km đường giao thông nông thôn. Toàn huyện hiện có 1.297/1.480km đường huyện, xã được trải nhựa hoặc bê tông.

Huyện đã đầu tư trên 160 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 26,5 tỷ đồng) để xây dựng mới 26 công trình đê bao với tổng chiều dài 111 km, 609 đập và 888 cống. Hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trong đó có việc triển khai xây dựng thị trấn Cái Bè lên đô thị loại IV; xã An Hữu và xã Hậu Mỹ Bắc A lên đô thị loại V.

Đến nay, một số hạng mục trung tâm Thiên Hộ, An Hữu được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn và tiếp tục định hướng xây dựng 7 thị tứ vệ tinh để làm trung tâm phát triển cho từng khu vực, trong đó có Hòa Khánh để từng bước hình thành trung tâm hành chính mới của huyện. Mạng lưới điện tiếp tục được đầu tư xây dựng mở rộng theo tiêu chuẩn, số hộ dân sử dụng điện kế chính đạt gần 100% (NQ 93%). Các chương trình cấp, thoát nước phát triển tốt, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 94% (NQ 90%).

Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2015 - 2020 và một số chỉ tiêu, định hướng đến năm 2030, Phó Bí thư Huyện ủy Phạm Minh Trí cho biết: Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015 - 2020 của Tỉnh ủy, yêu cầu phát triển huyện Cái Bè 5 năm tới và đến năm 2030 theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được UBND tỉnh phê duyệt, Đảng bộ huyện Cái Bè tập trung vào những khâu đột phá:

Tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô sản xuất hàng hóa lớn gắn với kêu gọi đầu tư khuyến khích phát triển mở rộng công nghiệp chế biến lúa gạo, trái cây, công nghiệp may mặc. Phát huy tối ưu lợi thế về khai thác thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái để tăng nhanh giá trị sản xuất nội huyện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung cả tỉnh.

Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đến năm 2030 cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gấp đôi 2015, năm 2030 tăng gấp gần 4 lần năm 2020. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao. Chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Phấn đấu nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nhiệm kỳ phát triển ổn định và bền vững.

HỮU CHÍ

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010 - 2015

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) theo giá cố định năm 1994 tăng bình quân 11,8%/năm (NQ từ 12 - 13%/năm), trong đó:
- Khu vực I tăng 6,4%/ năm (NQ từ 5 - 6%/năm).
- Khu vực II tăng 23%/năm (NQ từ  18 - 19%/năm).
- Khu vực III tăng 15%/ năm (NQ từ 15 - 16%/năm).


+  Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) theo giá cố định năm 2010 tăng bình quân 8,5%/ năm, trong đó:

- Khu vực I tăng 4,9%/ năm.
- Khu vực II tăng 16,7%/năm.  
- Khu vực III tăng 15%/ năm.

+ Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015: 37,6 triệu đồng (NQ đề ra 28,38 triệu đồng).
+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: Tỷ trọng khu vực I chiếm 50,59% (NQ 41,2%), khu vực II chiếm 24,37% (NQ 26,3%), khu vực III chiếm 25,04% (NQ 32,5%).

+ Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện cả nhiệm kỳ: 2.733 tỷ đồng (NQ 2.291 tỷ đồng), trong đó thu ngân sách từ kinh tế địa phương 520 tỷ đồng (NQ 514 tỷ đồng).
+ Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm: 15.191 tỷ đồng (NQ 15.000 tỷ đồng).

+ Đường nông thôn đan, nhựa đạt 87% (NQ 70%). Có 45% đường ô tô trên các tuyến chính - liên xã (NQ 50%).

+ Xây dựng và chuyển đổi 7 xã văn hóa nông thôn mới (trong đó xây dựng mới 4 xã), 21 ấp văn hoá (NQ xây dựng 3 xã văn hóa và 13 ấp văn hóa).
+ Giải quyết việc làm bình quân cho 9.008 lao động/năm (NQ 4.000 lao động/năm).

+ Đến năm 2015 có 100% xã, thị trấn và 100% cơ quan an toàn về an ninh trật tự (NQ xây dựng 90% xã, thị trấn và 100% cơ quan an toàn về an ninh trật tự).
+ Kết nạp trên 850 đảng viên mới (NQ 550 đảng viên).

Những chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2015 - 2020

Tổng giá trị sản xuất (GO) đến năm 2020 khoảng 26 - 27 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 10,5 - 11,5%/năm (theo giá so sánh năm 2010), trong đó:

+ Khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) tăng khoảng 4,9 - 5,1%.

+ Khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng khoảng 15,4 - 17,4%.

+ Khu vực III (dịch vụ) tăng khoảng 12,9 - 13,9%.

- Cơ cấu giá trị sản xuất năm 2020:

+ Khu vực I chiếm khoảng 39,6 - 37,6%.

+ Khu vực II chiếm khoảng 41,6 - 43,4%.

+ Khu vực III chiếm khoảng 18,8 - 19%.

* Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt khoảng 74,6 - 76,6 triệu đồng, tương đương 3.055 USD.

* Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2020 đạt khoảng 915 tỷ đồng (cả nhiệm kỳ khoảng 3.395 tỷ đồng), trong đó thu từ kinh tế địa phương năm 2020 đạt 167,3 tỷ đồng (cả nhiệm kỳ khoảng 663 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách trên địa bàn năm 2020 khoảng 895 tỷ đồng (cả nhiệm kỳ khoảng 3.363 tỷ đồng); chi đầu tư phát triển đạt 32% trở lên.

* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 26.500 - 28.000 tỷ đồng, chiếm 27,4%/VA (giá trị tăng thêm), trong đó vốn đầu tư từ ngân sách các cấp khoảng 6.100 tỷ đồng.

* Phấn đấu đến năm 2020 có 6 - 8 xã đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

* Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến năm 2020 đạt 100% (có điện kế riêng) và 98% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

* Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đến năm 2020 đạt 95%; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

* Tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,27%/năm. Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 3%.

* Tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề năm 2020 đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 20%. Mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 9.450 lao động.

* Đến năm 2020, tỷ lệ học sinh huy động so độ tuổi: Nhà trẻ 20%, mẫu giáo 85%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 98%, trung học phổ thông 80%; xây dựng mới từ 18 - 20 trường đạt chuẩn Quốc gia.
* Đến năm 2020, tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 100%; số giường bệnh/1 vạn dân đạt 7,5 giường; số bác sĩ/1 vạn dân đạt 3,7 bác sĩ; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 8%.

* Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và chuẩn văn minh đô thị chiếm tỷ lệ 50%; 95% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

* Tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

* Giữ vững an ninh chính trị, kiềm chế tốc độ gia tăng các loại tội phạm và tai nạn giao thông.

* Hàng năm có trên 85% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 98% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

* Kết nạp mới 550 đảng viên.

 

.
.
.