Thứ Hai, 31/08/2015, 18:30 (GMT+7)
.

Kỷ niệm 70 năm Ngành Tòa án nhân dân: Phiên tòa đầu tiên

Ngày 13-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 33C/SL thành lập các Tòa án quân sự tại 3 miền, trong đó có Tòa án tại  tỉnh Mỹ Tho để xét xử những kẻ có hành động gây phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đình Long Hưng là một trong những nơi Tòa án nhân dân cách mạng xử bọn phản cách mạng.
Đình Long Hưng là một trong những nơi Tòa án nhân dân cách mạng xử bọn phản cách mạng.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp không ngừng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Vào lúc 1 giờ ngày 23-11-1940, Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ, chỉ trong vài ngày lực lượng cách mạng đã giải phóng được 54/123 xã và đã tồn tại được 49 ngày (trụ sở đóng tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành).

Việc làm đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng là thành lập Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng (sau đây viết là Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho) để xét xử bọn phản cách mạng. Hội đồng gồm có các đồng chí: Lê Văn Giác, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thường, Lê Văn Quới, Đặng Văn Hiệp, Trương Văn Ti.

Trụ sở của Tòa án cũng đóng tại Đình Long Hưng. Tòa án lưu động đi các xã để xét xử, đã xử tử hình tên Hương quản Sâm ở xã Long Định, xử cảnh cáo Cai Vi ở xã Vĩnh Kim, xử cảnh cáo Cai Trí ở xã Long Hưng…; còn hầu hết là giáo dục, cảm hóa những kẻ lầm đường.

Tòa xử công khai, có quần chúng tham gia luận án rất đông đảo. Các phiên tòa cách mạng đều như những buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và có ảnh hưởng lâu dài đến thời kỳ kháng chiến sau này.

Như vậy, lần đầu tiên ở Nam bộ và cũng là lần đầu trong cả nước, một tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập: Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho, ngay sau khi chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập (ngày 23-11-1940).

Tòa án tuy chưa quy củ, nhưng thực sự là Tòa án cách mạng, Tòa án nhân dân, trừng trị bọn phản cách mạng và bảo vệ quyền lợi của cách mạng, của nhân dân. Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân cách mạng đã căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ:

- Khoan hồng với người lầm lạc.
- Bảo vệ quyền lợi nhân dân.
- Tôn trọng tự do tín ngưỡng.
- Hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân.
- Tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án.

Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã thực hiện đúng đắn chính sách của Đảng đã đề ra trong Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, thể hiện được sự công bằng và nhân đạo.

Việc Tòa án xử công khai, có đông đảo quần chúng tham dự và trực tiếp tham gia luận tội đã thực sự tôn trọng quyền quyết định của nhân dân, thể hiện tính dân chủ của một Tòa án cách mạng. Với những việc làm có ý nghĩa như vậy, nên sau khi Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, mặc dù thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, dùng máy bay ném bom chợ Giữa, dùng lực lượng quân đội, cảnh sát gần như của toàn Nam bộ để đàn áp Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho và thực hiện thủ đoạn đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, nhưng hình ảnh của cách mạng trong những ngày giải phóng, những ngày làm chủ đã in sâu vào trong tâm khảm và ý thức, niềm tin đã hình thành trong lòng người dân tỉnh Mỹ Tho: Chỉ có Đảng Cộng sản, chỉ có cách mạng do Đảng lãnh đạo mới thật sự đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

HỒNG LÊ
(Tổng hợp)

.
.
.