Ngành Tư pháp Tiền Giang: Những chặng đường phát triển
Ngày 4-10-1982, UBND tỉnh ban hành Quyết định 730/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, do ông Đào Viễn Trung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Giám đốc.
Trải qua 33 năm hình thành và phát triển dù gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; cùng với sự nhiệt tình hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” năm 2013 cho ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang. |
Lúc mới thành lập, Sở Tư pháp có Ban Giám đốc và 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ, với biên chế chỉ có 8 người, trong đó có 5 người chưa qua đào tạo. Tòa án nhân dân cấp huyện cũng chỉ có 46 biên chế, trong đó chỉ có 1 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trung cấp và sơ cấp.
Trước những khó khăn đó, Sở Tư pháp đã đề ra mục tiêu trong vòng 10 năm (từ năm 1982 đến năm 1992) phải có 100% cán bộ pháp lý cấp tỉnh và 50% cán bộ tư pháp cấp huyện đạt trình độ đại học; 50% cán bộ có trình độ trung cấp; cán bộ cấp xã đa số phải có trình độ trung cấp.
Với phương châm coi trọng và phát huy yếu tố con người, chọn khâu đột phá để nhân rộng phong trào, dưới sự lãnh đạo sâu sát, dám làm dám chịu trách nhiệm của “người anh cả” Đào Viễn Trung, Giám đốc đầu tiên của Sở Tư pháp, bằng công tác quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều hình thức liên kết đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao.
Mở đầu cho mục tiêu này, Trường Đào tạo cán bộ pháp lý trên địa bàn tỉnh được thành lập, chỉ từ năm 1982 đến năm 1985 trường đã tổ chức đào tạo trình độ pháp lý sơ cấp liên tục được 4 khóa, với tổng số 353 cán bộ được đào tạo.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp trực tiếp vận động một số học sinh phổ thông trong các gia đình có truyền thống cách mạng thi vào Trường Đại học Pháp lý; cử cán bộ đào tạo trung cấp pháp lý tại các trường do Bộ Tư pháp tổ chức; mở 2 lớp Đại học Luật tại chức tại Tiền Giang…
Năm 1988, có 9 sinh viên đại học pháp lý chính quy cùng nhiều cán bộ trung cấp pháp lý ra trường về công tác tại Sở Tư pháp và đến cuối năm 1992 Sở đã có 17/22 cán bộ; Tòa án nhân dân cấp huyện có 38/76 cán bộ có trình độ cử nhân Luật, số còn lại có trình độ trung cấp; 40% cán bộ tư pháp cấp huyện có trình độ đại học, số còn lại là trung cấp; 50% cán bộ tư pháp cấp xã cũng đạt trình độ trung cấp và sơ cấp pháp lý. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn này Sở Tư pháp Tiền Giang là một trong những địa phương dẫn đầu về công tác đào tạo cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Dấu ấn mà ngành Tư pháp không thể nào quên ở thời kỳ này (cao điểm là năm 1991, 1992) có lúc Trung ương muốn sáp nhập, thậm chí giải thể ngành Tư pháp nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Công Bình, Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ luôn coi trọng và đánh giá cao công tác tư pháp; đồng thời do yêu cầu khách quan và sự đòi hỏi của xã hội nên Sở Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang nói chung vẫn tồn tại và phát triển.
Qua mỗi giai đoạn khác nhau, lãnh đạo Sở Tư pháp tuy có sự thay đổi, nhưng với quyết tâm và tinh thần đoàn kết của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, đến nay bộ máy tổ chức của ngành đã cơ bản được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, toàn đơn vị có 8 thạc sĩ Luật (đang đào tạo 6 thạc sĩ luật); 61 cử nhân Luật, 10 cử nhân khác (chiếm tỷ lệ 76,35%). Các Phòng Tư pháp có 48 biên chế, có trình độ cử nhân Luật 44 người và cao đẳng, trung cấp 4 người; công chức tư pháp cấp xã đa số có trình độ trung cấp Luật trở lên.
Sở Tư pháp đã xây dựng và thực hiện phương châm “Mọi hoạt động tư pháp hướng về cơ sở” và “Thân thiện với nhân dân” trong giải quyết hồ sơ, công việc.
Theo đó, Sở đã thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, áp dụng quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn ISO, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong đăng ký khai sinh với đăng ký hộ khẩu; đăng ký khai tử với xóa hộ khẩu; đăng ký khai sinh với cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; xây dựng phần mềm trong công tác đăng ký hộ tịch và ngăn chặn trong công tác công chứng;
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu ban hành văn bản pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được tập trung với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó mô hình “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” được Bộ Tư pháp đánh giá cao và được đưa vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với tên gọi là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
Tổ chức triển khai Đề án Tin học hóa công tác quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn được trang bị 1 bộ máy vi tính và 1 bộ máy in để phục vụ cho đề án này và để triển khai các phần mềm quản lý khác của ngành.
Công tác xã hội hóa hoạt động tư pháp của ngành trong các lĩnh vực công chứng, bán đấu giá tài sản… được thực hiện có hiệu quả, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Với thành tích đạt được đến nay, Sở Tư pháp được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều Cờ thi đua và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.
Thành tích của ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp; sự đóng góp to lớn, luôn gần gũi, động viên và tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo Sở qua các thời kỳ; là kết quả của sự vượt khó, phấn đấu không ngừng của đội ngũ công chức, viên chức cho sự phát triển của ngành.
Trong những chặng đường phát triển tiếp theo, ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang phải tiếp tục đổi mới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành phải có trách nhiệm tự giác học hỏi nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tận tâm, tận tụy, trung thực và có trách nhiệm, phát huy hơn nữa kết quả đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
ThS. NGUYỄN THỊ ĐANG
(Giám đốc Sở Tư pháp)