Thứ Năm, 13/08/2015, 06:01 (GMT+7)
.

Những thành quả rất đáng tự hào của Đảng bộ&nhân dân huyện Tân Phước

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị được kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Tân Phước phấn khởi cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự giúp đỡ tận tình của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh… đã tạo điều kiện để huyện hình thành, đưa vào hoạt động Khu công nghiệp phía Đông, Khu công nghiệp Long Giang và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dọc đường tỉnh 867, 865.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi và đê bao chống lũ vùng khóm nguyên liệu gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân nâng cao hiệu quả và chất lượng cây khóm phục vụ cho chế biến xuất khẩu ổn định. Xây dựng Trung tâm Y tế, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trung tâm Dạy nghề… Xây dựng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để phát triển du lịch Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và Khu Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Tỉnh ủy - UBND tỉnh tặng bức trướng “Đảng bộ và chính quyền huyện Tân Phước 20 năm xây dựng và phát triển 1984 - 2014”.
Tỉnh ủy - UBND tỉnh tặng bức trướng “Đảng bộ và chính quyền huyện Tân Phước 20 năm xây dựng và phát triển 1984 - 2014”.

Thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Về kinh tế, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng phù hợp, phát huy được thế mạnh của từng vùng, mang lại hiệu quả cao.

Vùng chuyên canh cây khóm nguyên liệu được hoàn thiện hạ tầng, bảo đảm an toàn sản xuất khi có lũ với năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế ngày được nâng cao, chiếm tỷ trọng hàng đầu trong ngành trồng trọt (đến nay diện tích khóm toàn huyện là 15.744 ha, sản lượng đạt 287.120 tấn). Diện tích sản xuất vùng chuyên canh cây lúa ổn định với 6.612 ha, sản lượng 102.663 tấn.

Cây trồng mới cũng được nông dân trồng có hiệu quả bước đầu (với 250 ha cây thanh long, trong đó có nhiều diện tích đã thu hoạch, bước đầu có hiệu quả). Diện tích rừng tiếp tục giảm, hiện còn 3.084 ha (trong đó rừng tràm 2.750 ha, bạch đàn 34 ha).

Các hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục phát triển, hàng năm tăng khoảng 200 cơ sở kinh doanh và các cơ sở dịch vụ ngày càng phát triển, với giá trị gia tăng khu vực thương mại - dịch vụ bình quân đạt 24,08%, vượt chỉ tiêu NQ đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,22 triệu đồng (NQ 22,95 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4% (NQ dưới 9%). Tổng thu ngân sách địa phương năm 2015 đạt 35,5 tỷ đồng (NQ 33,7 tỷ đồng). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,8% (NQ 0,8%). Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường, điện và nước sinh hoạt… đều đạt chỉ tiêu NQ đề ra.

Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị; kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt Quy chế làm việc của cấp ủy; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng… Qua đó, hàng năm có trên 85% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (NQ 85%); có trên 98% đảng viên đủ tư cách trở lên (NQ 98%); kết nạp 569 đảng viên (NQ 450 đảng viên)…

Bên cạnh những thành quả rất đáng tự hào, ông Nguyễn Thanh Hải cũng đã thừa nhận: “Tốc độ tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế chỉ đạt 15,18% (NQ 16,05%), trong đó tốc độ tăng trưởng khu vực II còn chậm, do đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa chưa đạt theo yêu cầu.

Các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu. Chất lượng giáo dục toàn diện còn nhiều bất cập. Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa cao. Việc quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách thiếu chặt chẽ, còn xảy ra sai phạm.

Tình hình khiếu kiện của nhân dân chậm được giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trên địa bàn. Giá cả một số mặt hàng, đặc biệt là hàng nông sản không ổn định, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và còn một số khó khăn về công tác cán bộ (hụt hẫng về số lượng, hạn chế về trình độ và một bộ phận cán bộ có biểu hiện mất đoàn kết…”.

Trong 5 năm tới, huyện Tân Phước tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước phải luôn nỗ lực phấn đấu, tận dụng cơ hội, khai thác tốt mọi tiềm năng… để lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa mới đề ra, đưa huyện Tân Phước phát triển toàn diện.

PHƯƠNG MAI


- Tốc độ tăng giá trị sản xuất  bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 16,5%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 đạt 65,5 triệu đồng/người.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 14.400 tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa phương năm 2020 đạt khoảng 65 - 70 tỷ đồng.
- Chi ngân sách năm 2020 khoảng 380 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 78 tỷ đồng.
- Tỷ lệ đạt tiêu chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2020 đạt 25%.
- Giải quyết việc làm từ 650 - 700 lao động/năm.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5% (chuẩn áp dụng theo quy định hiện hành).
- Đến năm 2020, tỷ lệ huy động so với dân số trong độ tuổi ở các bậc học: Mẫu giáo trên 85%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 98%, trung học phổ thông trên 80% và có 100% giáo viên ở các bậc học đạt chuẩn. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia: Mầm non trên 50%, tiểu học trên 75%, trung học cơ sở trên 80%, trung học phổ thông trên 50%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 là 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 45%.
- 100% xã, thị trấn có trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2020 có trên 95% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 44/60 ấp (khu phố) đạt chuẩn văn hóa; 4 xã văn hóa nông thôn mới; thị trấn Mỹ Phước đạt chuẩn văn minh đô thị.
- Hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ trên 95%.
- Đến năm 2020, trên 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường.
- Giữ vững an ninh chính trị, kiềm chế tốc độ gia tăng của các loại tội phạm và tai nạn giao thông.
- Hàng năm có trên 85% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ; 98% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
- Kết nạp mới 450 đảng viên.

 

 

.
.
.