Thứ Sáu, 04/09/2015, 09:28 (GMT+7)
.
70 năm xây dựng và trưởng thành:

Tòa án tỉnh Mỹ Tho và Gò Công trong kháng chiến chống Mỹ

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã trắng trợn phá hoại Hiệp định. Tháng 7-1954, Mỹ đã dựng lên chính quyền bù nhìn thân Mỹ do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Chính phủ Diệm nhanh chóng tổ chức lực lượng phản động, chuẩn bị mọi mặt để đánh phá và tiêu diệt lực lượng cách mạng.

ss
Đồng chí Hứa Văn Giáo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng làm Chánh án.

Để phù hợp với tình hình mới, từ tháng 10-1954 tất cả các tổ chức của ta (như chính quyền, tòa án, quân đội, công an, các đoàn thể chính trị…) đều giải thể và đi vào hoạt động bí mật. Tất cả các đồng chí trước đây là cán bộ tòa án còn ở lại đều phải hoạt động như những chiến sĩ cách mạng khác.

Từ năm 1956 - 1959, địch củng cố được bộ máy chính quyền của chúng và tiến hành khủng bố phong trào cách mạng ngày càng ác liệt hơn. Năm 1956, địch đã lấy tỉnh Mỹ Tho làm trọng điểm của quốc sách “tố cộng, diệt cộng” của chúng. Với Luật 10/59, địch lê máy chém khắp miền Nam nhằm khủng bố phong trào cách mạng.

Để cảnh cáo bọn khát máu, chặn đứng bàn tay tội ác của địch, củng cố và phát triển phong trào cách mạng, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương diệt một số tên ác ôn đầu sỏ ở địa phương. Đây là một chủ trương đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, do đó đã được nhân dân hết lòng ủng hộ.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các đảng viên và quần chúng đã trừng trị hàng loạt tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, hàng trăm tên khác bị cảnh cáo, giáo dục và giao cho nhân dân, gia đình bảo lãnh.

Trong 2 năm 1960 - 1961, hầu hết các xã đều nổi dậy và tổ chức những phiên tòa xét xử bọn ác ôn. Nhiều hình thức tổ chức phiên tòa được các cấp ủy và quần chúng tổ chức rất phong phú. Người đứng ra xét xử thường là đại diện của chi bộ hoặc những nòng cốt tích cực và quần chúng vừa giữ vai trò công tố vừa giữ vai trò buộc tội, kết án, có lúc, có nơi quần chúng thực hiện luôn chức năng thi hành án.

Các phiên tòa được tổ chức trong giai đoạn này là do yêu cầu bức thiết của phong trào nổi dậy. Hình thức tổ chức tuy chưa có quy củ, xét xử chưa được khoa học, nhưng quần chúng, cán bộ tham gia xét xử đã dựa vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của cách mạng để xét xử, bước đầu đã đem lại sự công bằng và đáp ứng nguyện vọng của quần chúng. Đặc điểm của giai đoạn này là dù tòa án chưa được thành lập nhưng cấp ủy ở từng địa phương vẫn tổ chức phiên tòa xét xử bọn tay sai, phản động để bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Trong giai đoạn từ năm 1961 - 1969, các vụ án từ khâu phát hiện, bắt giữ, xét xử dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, lực lượng an ninh tỉnh và quần chúng đóng vai trò chủ yếu. Tất cả các vụ án được xét xử đã bảo đảm thực hiện gần đúng với nguyên tắc xét xử của tòa án. Tính trung thực, dân chủ, công bằng đã được thực hiện đầy đủ. Kết quả của các cuộc xét xử đã nâng cao lòng tin của quần chúng đối với Đảng, góp phần đưa phong trào cách mạng tiếp tục phát triển.

Đầu năm 1969, địch tăng cường mọi phương tiện cho hoạt động tình báo, gây khó khăn cho phong trào cách mạng của quần chúng. Thực hiện chỉ thị của cấp trên, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo thành lập Hội đồng xử án để thực hiện nhiệm vụ xét xử những tên tội phạm nghiêm trọng và điển hình. Thành phần trong Hội đồng xử án bao gồm: Đồng chí Hứa Văn Giáo (Mười Mập), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng làm Chánh án. Đồng chí Tư Hà phụ trách an ninh là Công tố. Đồng  chí Đào Viễn Trung là Hội thẩm cùng 1 ủy viên đoàn thể.

Tháng 6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, hoạt động xử án được cấp ủy từng cấp chỉ đạo chặt chẽ, hình thức xét xử có quy củ và khoa học hơn trước. Do lúc bấy giờ chưa thành lập Tòa án là cơ quan chuyên trách thường trực, hình thức xét xử cũng chưa rộng, mà chỉ tổ chức Hội đồng xử án đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy (Tỉnh ủy và Huyện ủy), song hướng xử lý rất nghiêm khắc, tập trung vào các đối tượng như: Làm gián điệp, đầu hàng, phản bội, khai báo gây hậu quả nghiêm trọng đối với Đảng, đối với phong trào cách mạng, làm mất đoàn kết trong quần chúng nhân dân.

Hình thức xét xử tùy theo mức độ vi phạm của bị can và điều kiện an toàn mà xử công khai hay bí mật, trong phạm vi rộng hay hẹp phù hợp với chiến trường bị chia cắt. Lúc bấy giờ, do tình hình chiến tranh ác liệt, địch đánh phá liên tục nên Hội đồng xử án tỉnh Mỹ Tho chỉ xử những vụ án nghiêm trọng mang tính chất điển hình. Còn những hành vi phạm tội khác thường thuộc cấp nào thì cấp đó xử, chủ yếu là giáo dục tại chỗ để những người phạm tội có thời gian và điều kiện đoái công chuộc tội, sửa chữa những lỗi lầm, tiếp tục công tác.

Từ năm 1970 trở đi, hoạt động xử án của tỉnh Mỹ Tho dù dưới hình thức này hay hình thức khác vẫn tồn tại xuyên suốt và hoạt động thường xuyên nhằm trấn áp bọn phản cách mạng, đầu hàng, gián điệp… để đem lại lợi ích cho nhân dân, xứng đáng là công cụ đắc lực thi hành chính sách của Chính phủ cách mạng.

Nhìn chung, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, mọi hoạt động xét xử đối với những kẻ phạm tội dù chưa có luật điều chỉnh, tổ chức Tòa án chưa được thành lập, nhưng mọi hoạt động xét xử đều mang hình thức của Tòa án. Mỗi giai đoạn cách mạng có hình thức xét xử khác nhau, loại hình tội phạm phức tạp và đa dạng, thông qua đó ta đã phát hiện và trấn áp kịp thời bọn gián điệp, đầu hàng phản bội và các loại tội phạm khác.

Các vụ án đưa ra xét xử dù ở mức độ họp dân để dân kêu án hoặc tổ chức Hội đồng xử án hẳn hoi để xử những vụ vi phạm nghiêm trọng, điển hình cũng đều tuân thủ thực hiện nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng, đã thực hiện được tính chặt chẽ, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhằm tạo sự công bằng cho xã hội, bảo vệ được Đảng và hợp lòng dân.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.