Tòa án tỉnh Mỹ Tho và Gò Công trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Sau ngày Mít tinh mừng độc lập, ngày 2-9-1945 tình hình ở tỉnh Mỹ Tho đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn hết sức căng thẳng, nhiều thế lực thù địch đã hoạt động ráo riết nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Ở thị xã Mỹ Tho, hơn 300 lính Nhật trong khi chờ đợi lực lượng đồng minh đến giải giáp đã cấu kết với Pháp và các tôn giáo phản động thân Nhật âm mưu lật đổ chính quyền.
Thực dân Pháp ra sức tuyên truyền lôi kéo các quan lại, công chức cũ ngấm ngầm hoạt động trở lại, cùng với lực lượng gián điệp ra sức tung tin làm rối loạn trật tự xã hội, ngăn chặn số công chức cũ ngã theo cách mạng, hô hào tiếp sức cho bọn phản cách mạng, các tôn giáo thân Pháp hoạt động chống cách mạng.
Đồng chí Trần Hữu Của, Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho. |
Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã tổ chức liên tục nhiều hội nghị để củng cố chính quyền, củng cố lực lượng bảo vệ chính quyền và bước đầu đã trấn áp được một số vụ có âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền, cướp bóc tài sản của nhân dân.
Yêu cầu bức thiết lúc bấy giờ là phải có tổ chức Tòa án để thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành, kịp thời trấn áp những phần tử phản cách mạng, bọn tội phạm khác nhằm bảo vệ và giữ gìn chính quyền cách mạng, ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Đầu tháng 10-1945, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Mỹ Tho đã quyết định thành lập Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Bộ máy Tòa án lúc đầu có 3 bộ phận cơ bản: Chánh án, Lục sự và Tổ Thơ ký giúp việc.
Khi xử các vụ trọng tội thì Hội thẩm có thêm đại diện của Ủy ban hành chính và Quân sự. Ông Hồ Đắc Diệu, bí danh Cổ Minh Nguyệt được cử làm Chánh án. Ông Bùi Văn Cương, bí danh Ngọc Công được cử làm Lục sự. Ông Trần Hữu Của được làm Thơ ký Tổ Thơ ký. Một số học sinh tích cực được chọn vào để giúp việc cho Tòa án.
Cơ quan Tòa án tỉnh Mỹ Tho sau khi thành lập đóng trụ sở tại thị xã Mỹ Tho. Cán bộ Tòa án phân công nhau tập huấn cho các cấp ủy đảng thông suốt luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và các văn bản có tính pháp luật của Nhà nước cách mạng.
Ngày 15-11-1945 Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho tổ chức phiên tòa lưu động, xét xử 2 bị cáo về tội làm gián điệp ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành. Mặc dù tình hình lúc ấy Pháp đang mở rộng tái chiếm nhưng hàng ngàn quần chúng ở xung quanh khu vực xã Bình Trưng đã đổ về tham dự.
Phiên tòa đã thực sự biến thành một cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi. Quần chúng nhân dân vô cùng phấn khởi vì lần đầu tiên quyền làm chủ của mình đã được phát huy; qua đó họ thật sự thấy được có Đảng, Nhà nước, Tòa án của mình mới đem lại độc lập, tự do đúng nghĩa cho nhân dân mình.
Tiếp sau sự ra đời của Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho, Tòa án Quân sự tỉnh Gò Công cũng được thành lập. Đồng chí Nguyễn Kim Quốc, Trưởng ty Công an được phân công kiêm luôn chức danh Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Gò Công. Từ năm 1945 - 1947, Tòa án Quân sự tỉnh Gò Công ngoài việc giáo dục quần chúng, nội bộ, đã gián tiếp và trực tiếp xử hàng trăm vụ.
Sự ra đời và hoạt động của Tòa án Quân sự Mỹ Tho và tỉnh Gò Công đã đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị và tư pháp.
Đầu tháng 6-1946, Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho được thành lập lại. Ông Bùi Văn Mển được cử làm Chánh án và ông Lê Trị được cử làm Lục sự. Từ lúc này, cơ quan Tòa án đóng trong nhà dân ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Cai Lậy.
Cùng lúc, Tòa án một số huyện cũng được thành lập như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè… Hội thẩm nhân dân các cấp cũng được củng cố. Hoạt động chủ yếu của các cấp Tòa án lúc này là cương quyết trừng trị các tên tề làng ngóc đầu dậy, các tổ chức phản động, những tên cướp bóc phá rối cuộc sống của nhân dân.
Trong giai đoạn 1946 - 1949, mặc dù phải liên tục chiến đấu chống thực dân Pháp lấn chiếm, nhưng Tòa án các cấp vẫn tổ chức hàng trăm phiên tòa công khai lưu động hoặc bí mật. Mức án nặng nhất là xử tử hình, mức án nhẹ là giáo dục răn đe tại chỗ và giao cho gia đình, cho nhân dân bảo lãnh giáo dục…
Tháng 4-1949, đồng chí Trần Hữu Của đang làm Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Tây Ninh, đã được điều về làm Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho.
Đồng chí Nguyễn Văn Nghiêm được cử làm Lục sự. Tổ Thơ ký được các đồng chí chọn từ các học sinh có trình độ từ lớp Đệ tứ trở lên (lớp 9), có tinh thần yêu nước, yêu cách mạng hoặc gia đình cách mạng để giúp việc cho Tòa án. Hội thẩm nhân dân cũng được củng cố lại cùng với việc củng cố về mặt tổ chức, chức năng, thẩm quyền của Tòa án từng cấp cũng được quy định cụ thể hơn.
Tòa án tỉnh xét xử các vụ án có mức án tù chung thân đến tử hình, chủ yếu xét xử các vụ trọng án như: Gián điệp, nội phản, giết người, cướp của… Tòa án huyện xét xử các vụ án thường phạm, có mức án cao nhất là 3 năm tù.
Tháng 3 và tháng 4-1951, sau khi tỉnh Mỹ - Tân - Gò thống nhất (gồm tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và Tân An), Tòa án 3 tỉnh cũng được sáp nhập thành Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tân Gò. Đồng chí Phó Chánh án Tòa án tỉnh Tân An được cử làm Chánh án.
Suốt thời gian tồn tại của Tòa án tỉnh Mỹ Tân Gò, các đồng chí đã tổ chức xử nhiều phiên ở cả 3 khu vực Mỹ Tân Gò. Đến năm 1954 tỉnh Mỹ - Tân - Gò tách ra thành 3 tỉnh, Tòa án 3 tỉnh cũng tách ra, Tòa án tỉnh Mỹ Tho và Gò Công được tách ra làm 2 đơn vị độc lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp.
Đồng chí Trần Hữu Của được cử làm Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho. Tòa án tỉnh Mỹ Tho và Gò Công vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tòa án Quân sự Mỹ Tho và Gò Công từ khi thành lập đến khi ký Hiệp định Genève đã tồn tại gần 9 năm. Trong 9 năm đó, tuy tồn tại và phát triển trong điều kiện chiến tranh ác liệt; nhân sự, phương tiện hoạt động luôn thiếu thốn…, nhưng cán bộ và nhân viên của Tòa án không ngừng phấn đấu vươn lên để xứng đáng là công cụ đắc lực của Đảng, của Nhà nước cách mạng. Tòa án các cấp đã cùng với các ngành chức năng giáo dục, trấn áp bắt giữ hàng trăm tên tội phạm, xử hàng trăm vụ án khác nhau ở khắp nơi trong tỉnh.
HỒNG LÊ (Tổng hợp)