Thứ Ba, 29/09/2015, 07:38 (GMT+7)
.

Đề cương tuyên truyền 85 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng

Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2015). Tài liệu đăng trên Tạp chí Dân vận của Ban Dân vận TW.
 

I. SỰ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY 15-10

1. Sự ra đời

Cách đây 85 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động; Quân đội vận; Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ, (từ Thành ủy và Tỉnh ủy) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động".

Từ tháng 10-1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15-10-1949. Chính vì vậy, vào tháng 10-1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.

2. Ý nghĩa

Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, từ Đại hội V của Đảng đã xác định "Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng chẳng những không giảm bớt mà còn tăng thêm".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức gay gắt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ chiến lược tới. Vì vậy, nhân dân ta phải nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Tăng cường công tác dân vận lúc này chính là tăng cường nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.

 II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ CÔNG TÁC DÂN VẬN

Từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân, tạo thành thành sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

1. Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; ngay sau khi thành lập, Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ là nước thuộc địa nửa phong kiến, lại là nước nông nghiệp lạc hậu, để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng đã tổ chức cho các đảng viên của mình đi vào các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động, tổ chức và tập hợp quần chúng nhân dân, huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi.

Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", tiến hành "ba cùng" với dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã nhất tề đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ địa vị người nô lệ, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ nước nhà.

Sau cao trào cách mạng (1930 - 1931), đến thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), phong trào Phản đế (1939-1941) và phong trào Mặt trận Việt Minh thời kỳ 1941-1945, Đảng ta chủ chương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác Mặt trận. Quần chúng được tập hợp qua các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp. Đảng đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… đây thực sự là bước phát triển mới trong việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng.

Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có những biến động lớn; Đảng ta đề ra chủ trương phát động cao trào quần chúng chống Nhật - Pháp, gấp rút tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền; với khí thế của cả dân tộc bằng bạo lực chính trị, kết hợp với lực lượng vũ trang toàn dân đã đứng lên làm cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. .

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

2. Công tác dân vận trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975).

Trong suốt 30 năm liên tục (1945 - 1975) của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng.

Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho. Nhân dân tin tưởng và che chở cho cán bộ khi bị địch truy lùng, chăm sóc chạy chữa khi đau yếu, móc nối khi mất liên lạc và đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi như con em trong gia đình.

Trong những năm tháng đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt và thủy chung, không gì lay chuyển được.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh; “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

3. Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

Khi cả nước bước vào thời kỳ mới; công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới; Đảng ta động viên nhân dân cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…, tiêu biểu là các phong trào thi đua "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn, đáp nghĩa", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", v.v.. đã đóng góp quan trọng vào các thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương phát động đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hưởng ứng, thực hiện; trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện hàng chục vạn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực và những khởi sắc mới trong phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói trong giai đoạn này, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Đây là sự tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về công tác vận động quần chúng của Đảng. Nghị quyết 8B nêu lên 4 quan điểm chỉ đạo công tác quần chúng của Đảng, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, bốn quan điểm này còn mang tính chiến lược đối với công tác dân vận của Đảng trong những giai đoạn tiếp theo của cách mạng, đó là:

(1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Tại Đại hội VII, Đảng ta xác định phải xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ra Nghị quyết số 45, Chính phủ ban hành Nghị định số 07, 71, 79 về thực hiện Quy chế dân chủ ở 3 loại hình cơ sở, đến nay có Pháp lệnh 34, Nghị định 87 về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ công tác vận động quần chúng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành các Nghị quyết về: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác tôn giáo; về công tác dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) là cụ thể hoá một bước quan điểm, tư tưởng Đại hội IX của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với nội dung và chất lượng mới, chỉ đạo công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là: “Đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”.

Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-2-2010 về việc ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" một lần nữa khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng  bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác dân vận. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của Đảng có tính chế định về chế độ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị nước ta.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định mục tiêu: Củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau đó, ngày 12-12-2013 Bộ Chính trị ban hành 2 quyết định quan trọng: Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Quyết định 218-QĐ/TW về ban hành "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".

Việc ban hành các Quy chế, Quy định nói trên là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về công tác dân vận; là bước đột phá mới về phát huy dân chủ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

III. TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được trong 85 năm qua, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng càng cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn bao giờ hết. Theo đó, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”, với một số trọng tâm:

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội về phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; để từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" đã được Bộ Chính trị khóa X ban hành. Không ngừng củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện Kết luận 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”. Tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống chính sách cụ thể, phù hợp với các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc... và hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị triển khai công tác dân vận. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban dân vận của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

- Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn nhưng hoạt động có chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu giúp Trung ương, cấp ủy các cấp có chủ trương, biện pháp phù hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch…đã được ký kết nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác dân vận của Đảng.

Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2015) giữa lúc cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế, xã hội năm 2015, khẩn trương hoàn thành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới./.

 

.
.
.